Thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Hải Hà (Quảng Ninh), bệnh nhân là chị L.T.T. Bác sĩ tại đây khám thấy ống tai chị đọng nhiều mảng trắng, dai dính không quan sát được màng nhĩ. Kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy có hình ảnh tổn thương mờ.
Chị được chẩn đoán viêm tai giữa mạn tính trái nghi ngờ cholesteatoma (là một dạng viêm tai giữa mạn tính, đặc trưng bởi một khối bị sừng hóa, tích tụ các tế bào chết), chuyển tuyến trên, chỉ định phẫu thuật mở sào bào thượng nhĩ lấy tổ chức viêm tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương.
Các bác sĩ Trung tâm y tế huyện Hải Hà cho biết biến chứng mà bệnh nhân này gặp phải là hậu quả của nhiễm khuẩn từ tai giữa (viêm tai xương chũm cấp, mạn tính) không được điều trị kịp thời hoặc không triệt để lan vào nội sọ.
Viêm tai giữa mạn tính có cholesteatoma hồi viêm là nguyên nhân chính dẫn đến biến chứng nội sọ do tai (70-90%), thường gặp là viêm màng não và áp xe não. Tuy ít gặp, đây đều là những biến chứng dễ dẫn đến tử vong nên cần được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.
Với bệnh viêm tai xương chũm, đa số đều xuất phát từ bệnh viêm tai giữa cấp tính tiến triển gây bít tắc ống Eustachian dẫn đến tình trạng viêm và nhiễm trùng xương chũm.
Triệu chứng viêm tai xương chũm cấp thường kéo dài 5-7 ngày với các biểu hiện ban đỏ sau thất, đau, nóng và dái tai sưng tấy. Khi soi tai, bác sĩ sẽ phát hiện thấy một vùng sưng đỏ sau tai và khối phồng có mủ phía sau màng nhĩ. Màng nhĩ có thể bị vỡ và chảy mủ.
Trẻ em xuất hiện các triệu chứng đặc hiệu như khó chịu, quấy khóc, hôn mê, sốt, sưng sau tai, đau tai; trong khi người lớn bị đau tai dữ dội, sốt kèm đau đầu.
Với viêm tai xương chũm mạn tính, các đợt viêm thường kéo dài trên 30 ngày và dễ tái phát. Các triệu chứng thường gặp nhất là xuất hiện mủ ở vùng tai với mức độ đau tăng dần, lan xuống vùng cổ và nửa bên đầu, màng nhĩ đỏ; da trên bề mặt xương chũm sưng đỏ, cảm giác đau tăng lên khi ấn vào xương chũm; có thể kèm theo viêm mũi, họng, sốt cao kèm nôn, co giật, cứng gáy khi bệnh tiến triển.