Dù không chơi lan từ sớm như những người yêu lan khác, nhưng chị Tám Châu vẫn luôn dành tình cảm đặc biệt cho loài hoa này. Chị chia sẻ về “cơ duyên” tình cờ với loài hoa “vương giả”: “5 năm trước, một lần tôi đến thăm vườn lan của bạn học, tôi như bị “hút” vào vẻ đẹp của loài hoa này. Được tận mắt chiêm ngưỡng vườn lan, lắng nghe những chia sẻ từ người bạn, trong tôi nảy nở ý tưởng trồng vườn lan riêng cho mình”.
Khi mới trồng lan, chị gặp không ít khó khăn như: cây chết, không ra hoa... Chị chia sẻ: “Những ngày đầu trồng lan, kết quả không như mong đợi đôi khi khiến tôi buồn và nhụt chí. Những lúc như vậy, nhờ sự động viên, tin tưởng của gia đình, bạn bè mà tôi vẫn tiếp tục học hỏi, tìm hiểu, khắc phục lỗi trong quá trình chăm sóc, cấy ghép. Với những nỗ lực và cố gắng không ngừng nghỉ, chỉ sau một thời gian, tôi có thể tự tin nhân giống và phát triển vườn lan riêng của mình”.
Ban đầu, chị Tám Châu tự tìm hiểu về hoa, cách trồng và chăm sóc trên sách vở, thông tin trên mạng... Tuy nhiên, lý thuyết không thôi chưa đủ, mỗi giống lan có chế độ chăm sóc khác nhau. Do đó, chị chủ động học hỏi kinh nghiệm ở bạn bè, những người chơi lan lâu năm, tìm hiểu về đặc tính, nguồn gốc các loại lan cũng như cách trồng phù hợp.
Chị Tám Châu luôn nỗ lực tìm tòi và tích góp kinh nghiệm trồng lan cho mình |
Sau nhiều năm, chị Tám Châu đã sở hữu riêng cho mình một vườn lan với diện tích hơn hàng trăm mét vuông cùng vô số giống lan quý. Hiện nhiều người tìm đến vườn lan của chị để được chiêm ngưỡng, học hỏi kinh nghiệm hoặc sưu tầm.
Chị Tám Châu bày tỏ: “Sự quan tâm của những người yêu hoa với khu vườn là động lực để tôi gắn bó với nghề trồng lan. Để chăm sóc hoa lan thành công, người trồng cần không ngừng học hỏi kinh nghiệm, có kỹ thuật tốt, cũng như luôn duy trì niềm đam mê trong mình”.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ theo đuổi hoa lan, Tám Châu là cái tên được giới yêu hoa Đồng Tháp biết đến |
Facebook chị Tám Châu: https://www.facebook.com/tamhong.chau |
Doãn Phong