Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội ngày 2/3, bệnh nhân là cụ bà 83 tuổi ở thôn Hạ Hòa, xã Tân Phú, huyện Quốc Oai.

Trước đó, cụ bà bị ngã khi đi dự lễ hội tại đình làng. Sau đó, bệnh nhân đến một phòng khám tư ở huyện Quốc Oai. Tại đây, bà được chẩn đoán gãy kín lồi cầu xương cánh tay phải, có xây xước nhẹ bàn tay trái.

Hơn 10 ngày sau khi bó lá để chữa tay gãy tại nhà một thầy lang, bà đau nhiều hơn nên đi khám tại một phòng khám tư khác ở quận Hà Đông. Bệnh nhân được bó bột và cho về nhà theo dõi tiếp.

Ba ngày sau, bà thấy khó thở, mệt mỏi nhiều, kèm theo cơn co cứng. Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Quân y 103 điều trị, chẩn đoán tăng huyết áp, rung nhĩ, suy tim trên nền bệnh uốn ván.

Do tình trạng bệnh không cải thiện, gia đình đã xin cho cụ bà về nhà. Người phụ nữ này đã tử vong.

Nhiều người tử vong vì nhiễm uốn ván từ vết thương rất nhỏ. Ảnh: Sở Y tế Nam Định

Gần đây, không ít cơ sở y tế tiếp nhận bệnh nhân uốn ván nặng vì chủ quan với một vết thương nhỏ, xây xát ngoài da, vết đâm do tăm tre... nhưng không tiêm phòng. 

Theo Bộ Y tế, uốn ván là bệnh có tỷ lệ tử vong cao do ngoại độc tố của trực khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) gây ra. Bệnh có thể gặp ở mọi nơi. Các triệu chứng của bệnh là những cơn co cứng cơ kèm theo đau, trước tiên là các cơ nhai, cơ mặt, cơ gáy, sau đó là cơ thân.

Với bệnh uốn ván ở người lớn và trẻ em, bệnh có biểu hiện như co cứng cơ nhai và các cơ ở mặt, làm cho bệnh nhân có nét mặt “cười nhăn”.

Bệnh nhân có thể bị co cứng cơ gáy, cơ lưng, cơ bụng, đôi khi co cứng ở vùng bị thương. Tùy theo nhóm cơ co cứng chiếm ưu thế mà bệnh nhân có một trong những tư thế đặc biệt như sau: Cong ưỡn người ra sau, thẳng cứng cả người như tấm ván, cong người sang một bên, gập người ra phía trước. Các cơn co giật toàn thân thường xảy ra do bị kích thích bởi va chạm, ánh sáng chói, tiếng ồn…

Thời gian ủ bệnh uốn ván (từ khi vi khuẩn xâm nhập đến khi biểu hiện triệu chứng) là từ 3 ngày đến 1 tháng, cũng có thể từ 1 ngày cho tới vài tháng, phụ thuộc vào đặc điểm, độ lớn và vị trí của vết thương. Hầu hết các trường hợp bệnh xuất hiện trong vòng 14 ngày.

Các vết thương bị nhiễm bẩn nặng, thời gian ủ bệnh ngắn hơn và bệnh nặng hơn, tiên lượng xấu hơn. Đây là bệnh lý hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng vắc xin với chi phí khá thấp. 

Những điều nên và không nên làm khi bị thương

- Với vết thương hở, cần rửa dưới vòi nước sạch và xà phòng.

- Sát trùng vết thương, băng cầm máu rồi để thoáng mát, tránh băng kín tạo môi trường cho vi khuẩn kị khí phát triển. Đến cơ sở y tế để được tư vấn, xử trí đề phòng nhiễm trùng.

- Không bôi bất cứ gì lên vết thương theo kinh nghiệm dân gian truyền miệng như nước mắm, kem đánh răng… Vi khuẩn trong các chất đó sẽ xâm nhập vào vết thương tạo nguy cơ nhiễm trùng và áp-xe tổn thương.