Tại sự kiện " Vietnam Web Summit 2019" - ông Trần Quang Kiên – CEO Entrust Consulting Company, là người từng tư vấn chuyển đổi số cho nhiều doanh nghiệp lớn như Vingroup, Topica, CEN group… đã chỉ ra rằng: "Chuyển đổi số là kim chỉ nam của các doanh nghiệp. Vấn đề chuyển đổi số không nằm ở công nghệ áp dụng hay nắm bắt công nghệ mà nằm ở vấn đề con người nhiều hơn".
Vị CEO này đặt vấn đề, trong chuyển đổi số của doanh nghiệp, điều quan trọng là đội ngũ lãnh đạo có đủ năng lực trong câu chuyện ứng dụng công nghệ hay chưa?
Để có thể thực hiện chuyển đổi số thành công, vị CEO này đã chỉ 3 vấn đề cơ bản mà một người lãnh đạo cần nắm được. Thứ nhất là nắm bắt tốc độ phát triển của công nghệ, thứ hai là sự tác động của công nghệ đến ngành nghề mà chúng ta đang hoạt động và thứ ba, đi tìm câu trả lời các bước chuyển đổi số là gì?
Chuyển đổi số của doanh nghiệp giống như khủng long...
Công nghệ có tốc độ phát triển rất nhanh chóng, muốn chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp phải hiểu đươc mình đang nằm ở đâu và công nghệ có đang đi xa so với doanh nghiệp hay không?
Đối với việc chuyển đổi số hiện nay, CEO Entrust Consulting Company khẳng định: "Rất nhiều doanh nghiệp tôi từng tiếp xúc cho rằng, công nghệ đang ở đâu đó rất xa lĩnh vực của họ, nhất là đối với những lĩnh vực truyền thống.
Cách đây khoảng 10 năm thì mọi người thường nghĩ công nghệ chỉ tác động lên những ngành liên quan tới máy tính và internet. Nhưng hiện nay, đến cả những ngành truyền thống (từ hãng taxi tới quán phở) cũng cần áp dụng công nghệ, cũng bị công nghệ thay đổi".
Để hình dung tốc độ phát triển của công nghệ cần hiểu rõ 3 định luật đóng vai trò nền tảng cho sự tăng tốc của công nghệ.
Thứ nhất là định luật Moore chứng minh rằng khả năng xử lý dữ liệu liệu sẽ tăng gấp đôi sau 18 tháng.
Thứ hai là định luật Butter chứng minh khả năng truyền dữ liệu sẽ tăng gấp đôi sau 9 tháng,
Thứ ba là định luật Kryder chứng minh khả năng lưu trữ dữ liệu sẽ tăng gấp đôi sau 13 tháng.
3 định luật này giúp công nghệ liên tục phá vỡ những giới hạn, đỡ đầu cho hàng loạt các phát minh và khiến tốc độ phát triển của công nghệ là vô cùng nhanh chóng.
"Cách đây khoảng 10 năm khi nói đến chuyển đổi số còn là chủ đề rất trừu tượng. Nhưng hiện nay, chuyển đổi số đã trở nên phổ biến và hầu hết các doanh nghiệp đều đang tìm kiếm phương pháp để có thể thực hiện. Chỉ từ ngày hôm trước đến ngày hôm sau thôi, có rất nhiều doanh nghiệp đã out (biến mất) khỏi cuộc chơi vì chuyển đổi số không thành công", vị CEO chia sẻ.
Lý giải sự thất bại của nhiều doanh nghiệp trong chuyển đổi số, vị CEO này chỉ ra rằng: "Hầu hết các doanh nghiệp đều chưa có nhìn nhận đúng về tốc độ phát triển của công nghệ. Nếu như chúng ta quá quen với những thay đổi theo cấp số cộng diễn ra đều đều và dễ dàng cảm nhận thì công nghệ đang thay đổi theo cấp số nhân, sau giai đoạn khởi đầu diễn ra đơn giản thì giai đoạn sau sẽ tăng vọt và vô cùng khó nắm bắt".
Thực tế là công nghệ đang phát triển theo cấp số nhân và doanh nghiệp thường đang đi theo cấp số cộng. Điều này dẫn đến khoảng cách giữa doanh nghiệp và công nghệ ngày càng xa, cũng có nghĩa là công nghệ phát triển nhanh hơn khả năng thích ứng của doanh nghiệp.
"Trong thời kỳ chuyển đổi số, doanh nghiệp cũng như con khủng long, nếu không thể chịu nổi sự biến đổi của khí hậu thì sẽ chết. Vì vậy doanh nghiệp không bắt kịp được xu hướng của chuyển đổi số thì sẽ bị đào thải", vị CEO nói.
Cơ bản vẫn nằm ở vấn đề con người
Công nghệ phát triển thần tốc và sự tác động của nó đến các lĩnh vực kinh doanh là không hề nhỏ. Nhìn vào tiến trình phát triển của một số ngành nghề cũng có thể nhìn thấy rõ điều đó, ngành bán lẻ đã phải thay đổi từ bán tại hàng cửa hàng, siêu thị sang bán online, ngành vận tải chuyển taxi truyền thống sang sử dụng các ứng dụng…
Theo CEO Entrust Consulting Company, sự phát triển thần tốc của công nghệ đã dẫn đến 7 tác động đến các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đó là: thay đổi công nghệ chủ đạo của sản phẩm (như máy ảnh cơ thay thế máy phim truyền thống), thay đổi thiết kế chủ đạo của sản phẩm (như iPod thay chiếc đài cát-xét cũ), tạo ra mô hình kinh doanh mới, gia tăng chức năng của sản phẩm (như chiếc điện thoại không chỉ để nghe gọi còn thay thế máy ảnh, máy nghe nhạc), giảm chi phí giúp xã hội hóa sản phẩm (ví dụ như nhờ công nghệ của Facebook mà mọi người đều có thể quảng cáo dù chỉ với 1 nghìn đồng), tạo ra sản phẩm dịch vụ mới, tạo ra chuỗi giá trị mới. Tuy nhiên, 7 tác động này đối với ngành nghề có những dấu ấn và mức độ khác nhau.
Kết quả của chuyển đổi số thì rất nhiều doanh nghiệp am hiểu nhưng các bước của chuyển đổi số như thế nào và nên bắt đầu từ đâu thì đó là câu hỏi của rất nhiều doanh nghiệp. Theo vị CEO này, để có thể thực hiện chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp phải trải qua 3 bước, số hóa dữ liệu, số hóa quy trình và cuối cùng là chuyển đổi số.
Chuyển đổi số không chỉ đơn giản là lựa chọn công nghệ để áp dụng mà chuyển đổi số cần sự cộng hưởng, cân bằng giữa con người, công nghệ và quy trình. Trong yếu tố con người, những người lãnh đạo là quan trọng nhất vì họ là những hạt nhân quyết định doanh nghiệp có thực hiện chuyển số hay không và sẽ dẫn dắt doanh nghiệp chuyển đổi như thế nào.