Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát hai năm về trước (2019 - 2021), số lượng khách hàng mua sắm trực tuyến tại khu vực Đông Nam Á đã tăng thêm khoảng 70 triệu người. Con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên 380 triệu người vào năm 2026.
Khi khách hàng đã quen thuộc với mua sắm trực tuyến, họ có khả năng sẽ bắt đầu các hoạt động mua bán xuyên biên giới. Theo nghiên cứu mới công bố của Ninja Van Group và DPDgroup, hơn một nửa số người tham gia khảo sát đã từng mua hàng từ các trang web nước ngoài ít nhất từ một đến vài lần.
Ngoài việc mua sắm hàng hóa trong khu vực Đông Nam Á, nhiều người chia sẻ rằng họ còn mua hàng từ các nước châu Á khác như Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản và/hoặc Hàn Quốc. Hành vi tiêu dùng này là một tín hiệu khuyến khích các nhà bán lẻ trực tuyến mở rộng phạm vi khách hàng trong khu vực, hoặc thậm chí trên khắp toàn cầu.
Thị trường Việt Nam cũng không ngoại lệ. Ông Phan Xuân Dũng, Giám đốc kinh doanh Ninja Van Việt Nam, cho hay nhu cầu tìm kiếm hàng hoá Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan... khá phổ biến trên các sàn thương mại điện tử Việt. Do đó, nhiều doanh nghiệp, chủ cửa hàng kinh doanh online (tổng kho, đại lý...) bắt đầu tìm kiếm nguồn hàng tại các quốc gia này để mang về phục vụ cho thị trường trong nước.
Nhờ hệ thống vận tải xuyên biên giới, nhiều người Việt mua hàng ở nước khác thuận lợi hơn. |
Từ năm 2019, Ninja Van Group phát triển dịch vụ nhập hàng quốc tế dành cho các doanh nghiệp Việt Nam. Chỉ sau chưa đầy 3 năm, công ty vận chuyển đã có danh sách khách hàng hơn 600 doanh nghiệp/ chủ cửa hàng kinh doanh online (tổng kho, đại lý...) thường xuyên sử dụng dịch vụ xuất nhập khẩu, phát sinh hơn 2.000 đơn hàng vận chuyển quốc tế tạo ra giá trị thương mại trung bình hơn 60 tỷ đồng mỗi tháng.
Tuy vậy, khi tham gia thương mại quốc tế, một vài hạn chế trong khả năng kiểm soát rủi ro liên quan đến chất lượng hàng hóa, thanh toán quốc tế, thiết lập các tuyến vận chuyển, xử lý thủ tục thông quan hàng hóa... đã tạo ra nhiều thách thức trong lĩnh vực nhập khẩu, dẫn đến tình huống trì trệ quá trình buôn bán, thiếu nguồn cung.
Ông Dũng khuyên các doanh nghiệp Việt Nam nên tìm đối tác vận chuyển có quy trình nhập khẩu hàng hóa, tiết kiệm thời gian bằng các giải pháp trực tiếp, thiết kế theo nhu cầu riêng của từng khách hàng, công nợ linh hoạt, việc đặt hàng và quản lý đơn dễ dàng với hệ thống công nghệ cao...
“Quy trình này giúp các nhà bán lẻ Việt Nam tăng tính tập trung vào việc vận hành doanh nghiệp, cải thiện hệ thống bán hàng, tạo ra lợi nhuận như mong muốn", ông Dũng phân tích.
Về trải nghiệm mua sắm trực tuyến, các chỉ số trong báo cáo chứng minh rằng giao hàng là giai đoạn cuối cùng của quá trình mua sắm trực tuyến, và có vai trò vô cùng quan trọng ảnh hưởng đến trải nghiệm tổng thể của khách hàng. 85% số người tham gia khảo sát tại Việt Nam muốn biết rõ công ty chuyển phát nào sẽ nhận bưu kiện của họ. Thông tin này giúp họ yên tâm hơn và tạo cảm giác chất lượng dịch vụ được bảo đảm.
Nhiều người cũng bày tỏ mong muốn có thể theo dõi thời gian giao hàng thực tế của bưu kiện, phản ánh, góp ý về các dịch vụ và yêu cầu công cụ hỗ trợ cho phép người mua điều chỉnh phương thức giao hàng phù hợp với nhu cầu cá nhân.
Ngoài ra, 26% số người mua hàng cho rằng yếu tố miễn phí giao hàng là một động lực thúc đẩy việc mua hàng trực tuyến của họ. Từ đó có thể thấy các chương trình khuyến mãi sáng tạo, miễn phí giao hàng là một chiến thuật thành công của các sàn thương mại điện tử.
Khảo sát nói trên được thực hiện từ tháng 7 năm 2021 và tổng hợp vào cuối năm 2021 tại sáu quốc gia nơi Ninja Van hoạt động, gồm Singapore, Malaysia, Philippines, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam - với hơn 9.000 đáp viên tham gia.
Hải Đăng
JD.com bắt tay Shopify, mở rộng thị trường TMĐT xuyên biên giới
Nhà cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (TMĐT) lớn thứ hai tại Trung Quốc, JD.com, đã đạt thoả thuận hợp tác với gã khổng lồ bán lẻ Internet, Shopify của Canada, trong bối cảnh doanh số bán trực tuyến tại Trung Quốc đang chậm lại.