Nghiên cứu do Facebook và Bain & Company thực hiện trên 6 quốc gia Đông Nam Á cho thấy hành vi tiêu dùng đã thay đổi dưới tác động của dịch Covid-19. Riêng tại Việt Nam, người dùng tiếp tục cởi mở hơn với mua sắm online.
Người Việt tích cực mua sắm trực tuyến sau Covid-19. (Ảnh: Hải Đăng) |
Báo cáo nhận định, sự chuyển đổi từ nền kinh tế ngoại tuyến sang trực tuyến, vốn được dự kiến sẽ diễn ra trong 5 năm nhưng nay đã hoàn thành chỉ trong 1 năm, nhanh hơn nhiều so với dự báo trước đó. Điều này phù hợp với nhận định của nhiều chuyên gia trong ngành, khi có người thậm chí cho rằng chỉ trong năm 2020, dịch bệnh khiến nền kinh tế online tiến bộ hơn tới 10 năm.
Theo báo cáo, 65% người tiêu dùng Việt Nam có độ tuổi trên 15 là người tiêu dùng trực tuyến; 46% trong số đó đã chuyển sang sử dụng kênh trực tuyến là kênh mua sắm chính.
Người dùng Việt rất cởi mở với mua sắm online và những thương hiệu mới. Số lượng website thương mại điện tử trung bình mà họ mua hàng tăng từ 4 website năm ngoái lên 5,7 website trong năm 2020, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.
64% trong 3.500 người được khảo sát sẵn sàng thử mua hàng ở trang web mới và 69% trả lời là đã thay đổi thương hiệu mà họ hay mua trong 3 tháng qua. Lý do cho sự cởi mở và thay đổi là họ tìm được sản phẩm thay thế có chất lượng tốt hơn và giá trị tương xứng với số tiền bỏ ra. Điều này mở ra nhiều cơ hội cho các thương hiệu và nhà bán hàng mới.
Điều thú vị rằng cả người Việt Nam lẫn khu vực Đông Nam Á cho biết họ không biết mình muốn mua gì hay từ đâu khi mua sắm trực tuyến. Hơn 70% người dùng Việt Nam mua sắm online mà không dự định trước sẽ mua gì. Họ thường lên mạng khám phá tìm cảm hứng và có 47% đơn hàng thành công sau các hoạt động này.
So với năm 2018, việc mua sắm trực tuyến trong năm 2020 tăng trên tất cả các danh mục. Cao nhất ở ngành hàng tạp hóa (tăng 1,8 lần), tiếp đến là thời trang (1,6 lần), chăm sóc sức khỏe (1,5 lần), đồ dùng gia đình (1,4 lần) và đồ điện tử (1,4 lần).
Báo cáo khẳng định, tổng giá trị tiêu dùng từ hoạt động mua sắm trực tuyến cũng tăng đồng thời với số lượng người tiêu dùng trên mạng. Năm 2020 đạt mức 7 tỷ USD, gấp đôi so với năm 2018. Với tốc độ như trên, tổng giá trị tiêu dùng của hoạt động mua sắm trực tuyến sẽ tăng gấp khoảng 3,7 lần vào năm 2025.
Doanh thu thuần bán lẻ trực tiếp (GMV) của Việt Nam được dự đoán đạt 25 tỷ USD vào năm 2025, tăng thêm 1 tỷ so với dự đoán từ năm ngoái của Forrester Forecast View, đứng thứ hai trong khu vực chỉ sau Indonesia. Trong đó, bách hóa là ngành có mức tăng trưởng nhanh nhất với tỷ lệ tăng trưởng kép trung bình hàng năm đạt 32%.
Hải Đăng
Grab, MoMo đang 'lấn sân' sang thị trường TMĐT Việt Nam
Grab và MoMo đều là những tên tuổi quen thuộc nhưng khá mới mẻ khi tham gia vào thương mại điện tử tại Việt Nam gần đây.