Nhà báo Nguyễn Văn Hải, báo Quân đội nhân dân kể , PGS, TS Nguyễn Văn Dững, Trưởng khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền từng bộc bạch, chưa bao giờ chữ “tín” của người làm báo trở nên cấp thiết như hiện nay. Bởi có giữ được chữ “tín” với nghề nghiệp, người làm báo mới thuyết phục được niềm tin với công chúng và góp phần dẫn dắt dư luận xã hội theo hướng tiến bộ, văn minh.

Thời gian qua, phần lớn các cơ quan báo chí, người làm báo vẫn giữ được chữ “tín” với công chúng bởi những tác phẩm, sản phẩm báo chí lành mạnh, bổ ích, nhân văn và bởi đạo đức trong sáng, tinh thần công tâm, ý thức cống hiến vì lợi ích chung của đất nước. Ngoài việc phát hiện, tuyên truyền, cổ vũ những tấm gương cao cả, những việc làm tình nghĩa góp phần nhân lên những cái tốt, cái đẹp, cái hay trong cộng đồng, báo chí còn tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, qua đó góp phần cùng toàn dân ngăn chặn, đẩy lùi cái xấu, các dở, cái ác trong xã hội. Những việc làm đó được Đảng, Nhà nước ghi nhận, nhân dân đánh giá cao. Đó cũng là “nét son” làm nên uy tín của báo giới nước nhà.

{keywords}
Thực tiễn đời sống báo chí thế giới và báo chí Việt Nam cho thấy, vị thế, thương hiệu của một cơ quan báo chí bao giờ cũng được xác lập, hình thành và xây dựng bởi đội ngũ những nhà báo có uy tín, những cây bút tên tuổi.

Bên cạnh niềm vui ấy, những người làm báo chân chính không khỏi chạnh lòng vì dư luận xã hội vẫn còn ý kiến than phiền một bộ phận nhà báo, một số cơ quan báo chí đang tự bào mòn chữ “tín” của mình bởi những tác phẩm, sản phẩm báo chí không chỉ có “sạn” về ngôn ngữ, văn phong, mà còn chứa đựng những nội dung thiếu chuẩn mực, thậm chí dung tục, nhảm nhí, phản cảm, gây hại cho công chúng. Đáng nói hơn, một số ít nhà báo lạm quyền báo chí, phản ánh, “mổ xẻ” một vấn đề nào đó vừa mang lại “lợi ích nhóm” cho họ, vừa nhằm “lái” dư luận xã hội với động cơ không lành mạnh. Những việc làm này đang làm tổn hại đến thanh danh, uy tín của báo chí cách mạng Việt Nam, của người làm báo.

Thực tiễn đời sống báo chí thế giới và báo chí Việt Nam cho thấy, vị thế, thương hiệu của một cơ quan báo chí bao giờ cũng được xác lập, hình thành và xây dựng bởi đội ngũ những nhà báo có uy tín, những cây bút tên tuổi. Tạo dựng được uy tín đối với công chúng vốn đã khó, nhưng giữ được uy tín trong lòng công chúng càng không phải là chuyện dễ dàng. Có những cây bút từng tạo ra “bút lực” hấp dẫn khiến đồng nghiệp và công chúng mến mộ, nhưng do bị cám dỗ, mua chuộc nên đã tự biến mình thành kẻ “thân bại danh liệt”. Một số tờ báo từng có năm tháng “nổi đình nổi đám” trên thương trường báo chí, nhưng do bị cuốn theo “cơn lốc” thương mại hóa, chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận độc giả mà tự làm mờ dần “tên tuổi” của chính mình trong lòng bạn đọc.

Sinh thời, nhà báo Hữu Thọ, một trong những cây bút nổi tiếng của báo chí cách mạng Việt Nam, từng nói đại ý: Nghề báo như múa võ giữa chợ, có hàng vạn người xem. Khi hàng vạn con mắt soi vào, bao nhiêu cái hay, cái dở từ “miếng võ” nhà báo có thể bộc lộ ra hết giữa thanh thiên bạch nhật. Vậy nên, để cái sự “múa võ giữa chợ” thu hút sự hài lòng, thán phục của đông đảo công chúng, người làm báo phải luôn lấy đức tín, sự trung thực, tính công tâm làm trọng.

Đối với người làm báo, giữ được chữ “tín” với công chúng là cơ sở bảo đảm cho ngòi bút của mình trở nên có “uy lực” trong xã hội. Vì thế, mỗi nhà báo chú trọng chăm lo tạo dựng uy tín tốt đẹp, bền vững cho mình là một cách góp phần bồi đắp, tăng cường uy tín cho cơ quan báo chí. Và khi tất cả các cơ quan báo chí cùng chung tay góp sức xây dựng uy tín nghề nghiệp, uy tín cho mình, thì đó là việc làm thiết thực góp phần giữ gìn, nâng cao uy tín cho nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Hải Văn