Để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm tích cực ban hành các văn bản gửi các đơn vị, địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, trong đó tập trung vào các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, cơ sở sản xuất kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình; chú ý các biện pháp giám sát, hướng dẫn phù hợp đối với dịch vụ nấu ăn lưu động, các bữa ăn liên hoan, tiệc cưới, đám giỗ đông người trên địa bàn quản lý.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê ngày 6/12 cho thấy trong tháng 11 cả nước xảy ra 5 vụ ngộ độc thực phẩm với 178 người bị ngộ độc, làm 1 người tử vong. Tính chung 11 tháng năm 2024 (từ ngày 19/12/2023-18/11/2024), cả nước xảy ra 104 vụ với 3.739 người bị ngộ độc (13 người tử vong). Trong số này, không ít vụ việc là ngộ độc tập thể, xảy ra khiến nhiều người mắc và phải nhập viện điều trị.
Theo cảnh báo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), hầu hết các vụ ngộ độc thức ăn tại các bữa cỗ, bếp ăn tập thể đều liên quan đến thói quen "đơn giản" trong việc lựa chọn nguyên liệu thực phẩm, biện pháp chế biến, thiếu phương tiện che đậy, bảo quản sau chế biến khiến thực phẩm bị nhiễm độc, không bảo đảm an toàn...
Thực tế, không ít vụ ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra do hình thức dịch vụ nấu ăn lưu động tại đám cỗ, đám cưới, tiệc... Đặc thù của dịch vụ này là không có địa điểm cố định, các cơ sở cung cấp dịch vụ thường sơ chế nguyên liệu trước khi vận chuyển đến nơi tổ chức đám tiệc, trong quá trình vận chuyển thực phẩm rất dễ bị nhiễm bẩn do thực phẩm sống chín để lẫn lộn, dụng cụ bảo quản không đảm bảo vệ sinh và không được che đậy kín. Ngoài ra, nấu ăn lưu động là loại hình bếp ăn tập thể, phục vụ nhiều người cùng một lúc nên rất khó tránh khỏi nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm tập thể.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), cho rằng, với các bữa cỗ tập trung đông người như đám cưới, tiệc… đều tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Việc phải phục vụ nhiều người một lúc, tốc độ phục vụ nhanh khiến thức ăn chưa đủ thời gian chín, đồ chín để lẫn đồ sống dễ nhiễm khuẩn, hay việc đồ ăn phải chuẩn bị từ sớm có nguy cơ ôi thiu... là những nguy cơ có thể nhìn thấy.
Để chủ động phòng, chống ngộ độc thực phẩm, từ năm 2016, Hà Nội đã triển khai thí điểm mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm bữa cỗ tập trung đông người tại 2 huyện: Thanh Oai và Phú Xuyên. Đến nay, mô hình này đã được nhân rộng đến 440 xã, phường, thị trấn của 20 quận, huyện, thị xã.
Theo báo cáo, từ đầu năm 2024 đến nay, các đoàn kiểm tra đã giám sát, tư vấn hơn 20.000 bữa cỗ, đồng thời hướng dẫn thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm tại các gia đình tổ chức bữa cỗ tập trung đông người.
Thời gian đầu thực hiện mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm ở bữa cỗ tập trung đông người, nhận thức của người dân về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế, việc tư vấn cho người dân gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí, nhiều gia đình thực hiện đối phó, không ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm khi tổ chức bữa cỗ đông người…
Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc tích cực của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, nhận thức của người dân dần được nâng lên. Đến nay, 100% gia đình có tổ chức cỗ đã ký cam kết về an toàn thực phẩm.
Ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, đánh giá đây là mô hình rất cần thiết nhằm giảm thiểu ngộ độc thực phẩm trong cộng đồng, mang lại hiệu quả thiết thực. Các gia đình có tổ chức tiệc, cỗ đã được nâng cao nhận thức, kỹ năng, thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
Thời gian tới, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn an toàn thực phẩm cho cán bộ của các tổ giám sát tư vấn điều kiện an toàn thực phẩm tại bữa cỗ tập trung đông người. Để người dân hiểu hơn về tầm quan trọng của việc bảo đảm an toàn thực phẩm trong bữa cỗ đông người, Hà Nội tăng cường tuyên truyền tại cộng đồng, phổ biến kiến thức đến người dân.