Nguy kịch vì viêm não

Ngày 21/7, tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), các bác sĩ cho biết khoa đang tiếp nhận nhiều trẻ bị viêm màng não, viêm não và có trường hợp bệnh nhi phải thở máy.

Bé G.A.T (4 tuổi, trú tại huyện Nghĩa Lộ, Yên Bái) bị sốt, đau đầu bên trái. Mẹ bệnh nhi không biết cho con uống thuốc gì. Đến tối, trẻ co giật và ngất lịm. Người nhà không đưa bé đi cấp cứu ngay mà ở nhà lay gọi trẻ. Sáng hôm sau, trẻ mới được đưa lên Bệnh viện Đa khoa Nghĩa Lộ nhưng không cải thiện nên sau đó trẻ được đưa thẳng xuống Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. 

Trường hợp thứ hai là bé L.G.A ( 9 tuổi, Mù Căng Chải, Yên Bái) vào viện cấp cứu trong tình trạng co giật. Sau khi ăn sáng, trẻ còn đi chơi bình thường nhưng đột nhiên ngã. Trẻ được đưa vào viện gần nhà cấp cứu. Tuy nhiên, bác sĩ không xác định được bệnh gì. Trẻ tiếp tục được chuyển xuống Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Từ khi sinh ra, bé chưa được tiêm phòng bất cứ loại vắc xin nào.

Bác sĩ khám cho bệnh nhi viêm não tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: P.T. 

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Thị Thúy - Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, từ đầu tháng 4 trở lại đây, số bệnh nhi nhập viện vì viêm não tăng lên đột biến. 

Hiện tại, khoa có nhiều trẻ bị viêm màng não, viêm não, trong đó có 2 trẻ từ Yên Bái chuyển xuống trong tình trạng nguy kịch. Còn lại, các trẻ khác đều vào viện với triệu chứng sốt cao, đau đầu. Sau khi cấp cứu xong, trẻ tương đối ổn định. Nếu viêm màng não tiến sâu vào nhu mô não thì tình trạng nặng hơn, trẻ có tình trạng rối loạn ý thức, phù não cần xử lý.

Bác sĩ Thúy cho biết, trường hợp  trẻ 9 tuổi sau khi xử lý bằng thuốc chống phù nề đã bỏ được thở oxy. Còn trường hợp 4 tuổi tình trạng viêm não trầm trọng hơn, khi vào viện có tình trạng ngừng thở nên bác sĩ phải đặt máy thở. Sau 3 ngày cấp cứu, trẻ vẫn phải thở máy để bảo vệ đường thở và các bác sĩ tiếp tục theo dõi sát sao. Khi bị viêm não, trẻ có thể biểu hiện di chứng lâu dài. Các bác sĩ vẫn điều trị và đánh giá di chứng.

Nguyên nhân viêm não, viêm màng não do nhiều tác nhân nhưng chủ yếu do virus. Mùa hè là mùa thuận lợi để các loài virus gây bệnh nên số bệnh nhân vào viện tăng hơn các mùa khác trong năm.

Viêm não Nhật Bản do ăn vải?

Nhiều người cho rằng viêm não Nhật Bản liên quan tới quả vải, tuy nhiên theo lý giải của bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, đây chỉ là sự trùng hợp. Bệnh viêm màng não, viêm não nói chung hay xảy ra vào mùa hè. Trong đó, viêm não Nhật Bản phổ biến nhất ở nước ta hay trùng với mùa vải. 

Ở các vùng có nhiều hoa quả chín điển hình là vùng trồng vải chim di cư đến ăn quả. Chim là những ổ virus di động. Trong quá trình chim di cư sinh sống tại đây, muỗi sẽ hút máu chim mang mầm bệnh sau đó lại tiếp tục truyền sang các loại gia súc trong khu vực. Muỗi đốt gia súc và lây truyền lẫn nhau. Muỗi mang virus nếu đốt ở người chúng sẽ truyền virus.

Ở các loại động vật này, virus viêm não Nhật Bản không gây triệu chứng nhưng ở người thì có biểu hiện bệnh. Vì vậy, ăn vải không liên quan tới bệnh viêm não. Ngoài ra, viêm não Nhật Bản cũng không lây từ người sang người.

Bác sĩ Thúy khuyến cáo, khi trẻ có dấu hiệu sốt kèm theo đau đầu, cha mẹ cần lưu ý phát hiện sớm và đưa trẻ đến cơ sở y tế điều trị. Viêm não là cấp cứu nội khoa, trẻ không thể điều trị tại nhà.

Để phòng bệnh, trẻ cần tiêm phòng vắc xin. Phụ huynh nên chú trọng nâng cao miễn dịch cho trẻ như ngủ đủ giấc, ăn đủ vitamin và khoáng chất.

Vệ sinh môi trường sạch sẽ, định kỳ dọn dẹp nhà ở, làm sạch chuồng gia súc để hạn chế nơi trú đậu của muỗi. Nếu có thể, nên dời chuồng gia súc ra xa nhà, xa nơi vui chơi sinh hoạt của trẻ em ngủ màn để tránh muỗi đốt.