Những chia sẻ trên được Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh trong lễ kỷ niệm 100 năm sinh nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch (1921 - 2021) diễn ra chiều 10/12.

"Nhớ đến đồng chí Nguyễn Cơ Thạch là nhớ đến một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc thuộc thế hệ đầu tiên của ngành ngoại giao Việt Nam được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh rèn luyện", Bộ trưởng bày tỏ và nhấn mạnh sự nghiệp do nguyên Bộ trưởng để lại cho nền ngoại giao Việt Nam một phong cách ngoại giao mang đậm tính đổi mới, sáng tạo.

{keywords}
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn phát biểu tại lễ kỷ niệm

Với bản lĩnh dạn dày và kinh nghiệm thực tiễn phong phú, tư duy chiến lược sắc sảo, nhạy bén nắm bắt các xu thế của thời đại và quy luật phát triển của đất nước, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã góp phần quan trọng vào đổi mới tư duy đối ngoại của Đảng tại các Đại hội VI và VII, đặt nền móng định hình đường lối đối ngoại thời kỳ đổi mới.

Trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, ông đã cùng tập thể Bộ Chính trị đóng vai trò quan trọng trong xây dựng và ban hành Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị khóa VI, đánh dấu bước chuyển chiến lược trong đường lối đối ngoại.

Đến nay Đảng ta đã kế thừa, phát triển và hoàn thiện trong thời kỳ Đổi mới. Đó là, đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước.

Cán bộ là yếu tố quyết định đến nhiệm vụ đối ngoại

Không chỉ là nhà lãnh đạo có lý luận sâu sắc và tầm nhìn chiến lược, theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch còn là nhà ngoại giao tài ba, thao lược trong chỉ đạo, tổ chức triển khai thực tiễn đối ngoại.

Trên cương vị Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn chuyên viên và Trợ lý cho cố vấn Lê Đức Thọ, với tư duy sắc sảo, nhạy bén và tài thao lược ngoại giao, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đã đóng góp quan trọng vào kết thúc thắng lợi đàm phán, ký kết Hiệp định Paris, tạo cơ sở cho giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong giai đoạn đất nước bị bao vây, cấm vận với vô vàn khó khăn, trên cương vị “tư lệnh” ngành ngoại giao, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch luôn trăn trở, dành tâm huyết, trí tuệ và công sức cho cuộc đấu tranh cam go về phá thế bao vây, cấm vận.

{keywords}
Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch tại họp báo trước khi kết thúc chuyến thăm Australia, tháng 3/1984. Ảnh tư liệu/Báo TG&VN.

Dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, cùng với các lãnh đạo xuất sắc của Bộ Ngoại giao thời kỳ đó, ông Nguyễn Cơ Thạch đã đóng góp rất lớn vào việc giải quyết thành công vấn đề Campuchia, bình thường hóa quan hệ với các nước lớn và các quốc gia trong khu vực, từ đó kiến tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho công cuộc Đổi mới và phát triển đất nước.

Với sự vận dụng sáng tạo lý luận, đường lối đối ngoại của Đảng, kiên định chiến lược, nhưng linh loạt trong sách lược, biến hóa trong ứng xử, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, bản lĩnh, trí tuệ và tài thao lược của nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đã được đồng nghiệp qua các thời kỳ và bạn bè quốc tế cảm phục, quý mến bằng những tên gọi trìu mến như “vị Bộ trưởng phá vây”, “bậc thầy nghiên cứu và tham mưu chiến lược”…

Trong thập niên 1970-1980 khi ngoại giao kinh tế là một vấn đề còn rất mới mẻ ở Việt Nam, sớm phát hiện xu thế quốc tế hóa kinh tế thế giới và các quốc gia, dân tộc đều tập trung nỗ lực cho phát triển kinh tế, ông Nguyễn Cơ Thạch đã khởi xướng tư duy ngoại giao cũng phải phục vụ phát triển kinh tế đất nước.

{keywords}
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham quan triển lãm về cuộc đời, sự nghiệp nguyên Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch.

Những năm đầu thời kỳ Đổi mới, ông Nguyễn Cơ Thạch cùng với các lãnh đạo Đảng và Nhà nước thời kỳ đó rất tích cực nghiên cứu, thúc đẩy tư duy mới về phát triển kinh tế. Ông đã chỉ đạo Bộ Ngoại giao tăng cường tìm hiểu kinh nghiệm các nước về chống lạm phát và phát triển kinh tế, dịch cuốn sách “Kinh tế học” nổi tiếng của nhà kinh tế học Paul Samuelson.

Xác định cán bộ là yếu tố quyết định đối với thực hiện nhiệm vụ đối ngoại, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đặc biệt coi trọng xây dựng, đổi mới tổ chức bộ máy, phương pháp và lề lối làm việc, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí, sử dụng cán bộ đối ngoại.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định: "Những đột phá về xây dựng ngành do đồng chí Nguyễn Cơ Thạch khởi xướng, chỉ đạo thực hiện đã tạo bước chuyển căn bản trong thực hiện chức năng tham mưu chiến lược và tổ chức thực hiện công tác đối ngoại của ngành ngoại giao.

Đồng thời, đặt nền móng vững chắc cho xây dựng ngành ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới".

Lễ kỷ niệm là hoạt động đầu tiên trong đợt sinh hoạt chính trị quan trọng gồm Hội nghị đối ngoại toàn quốc, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31, Hội nghị Ngoại vụ lần thứ 20 nhằm triển khai đồng bộ, toàn diện đường lối đối ngoại Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Ông Nguyễn Cơ Thạch, tên thật là Phạm Văn Cương, sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng tại Nam Định. Giác ngộ lòng yêu nước và tham gia cách mạng từ rất sớm khi mới 16 tuổi, vượt qua bao gian khổ, tù đày dưới ách thực dân phong kiến, ông đã lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền ở nhiều địa phương tại quê hương mình. 

Năm 1954, được Đảng cử về công tác tại Bộ Ngoại giao là một bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của ông. Từ đây, ông gắn bó với ngành Ngoại giao, tận tâm, tận sức phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc trên mặt trận đối ngoại.

Gần 40 năm trong ngành, ông đã nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Tổng Lãnh sự Việt Nam đầu tiên tại Ấn Độ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, quyền Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị Geneva về Lào; Trưởng đoàn chuyên viên tại Hội nghị Paris về Việt Nam; Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao… Ông là Ủy viên Trung ương Đảng khóa IV, V, VI; Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị khóa V và Ủy viên Bộ Chính trị khóa VI; ĐBQH khóa VII và khóa VIII.

Trần Thường

Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch: Người sửa giáo trình, lên lớp dạy cán bộ ngoại giao

Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch: Người sửa giáo trình, lên lớp dạy cán bộ ngoại giao

Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng và hoạt động ngoại giao. Những ý tưởng, quyết sách và sự chỉ đạo của ông để lại nhiều bài học sâu sắc.