Vừa qua Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) tiếp nhận một bé trai 4 tuổi, trú tại huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang đến khám vì không có hai tinh hoàn. 

Sau khi siêu âm ổ bụng, bác sĩ phát hiện 2 tinh hoàn bị lạc chỗ, nằm ở vùng bẹn nên chỉ định phẫu thuật đưa về đúng vị trí. Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân đang tiến triển tốt. Phần mềm vùng bẹn, bìu hai bên hiện tại không thấy hình ảnh bất thường trên siêu âm.

Bác sĩ nội soi hạ tinh hoàn cho bé trai. Ảnh: BVCC.

Theo bác sĩ Đặng Thanh Hải - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, thời gian gần đây có rất nhiều trường hợp vào khám vì tinh hoàn ẩn. Phụ huynh đã quan tâm tới sức khỏe của con hơn. Trước đây có nhiều quan niệm sai lầm về tinh hoàn ẩn như chờ tinh hoàn tự xuống, tiêm thuốc để tinh hoàn xuống. Tuy nhiên, nếu tinh hoàn chậm đưa về đúng vị trí ở trong ổ bụng có thể gây biến chứng.

Một số biến chứng liên quan tới vị trí của tinh hoàn lạc chỗ: 

Teo tinh hoàn: Nếu không phẫu thuật hạ tinh hoàn có thể gây teo tinh hoàn, ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản trong tương lai.

Xoắn tinh hoàn: Tinh hoàn lò xo ở ống bẹn, có thể co lên, co xuống, nguy cơ gây xoắn. Tình trạng này gây đau đớn cho người bệnh do máu đã bị chặn trên đường đi đến tinh hoàn. Nếu không được chữa trị sớm, tình trạng này có thể dẫn tới mất tinh hoàn. 

Chấn thương: Khi không nằm trong da bìu, tinh hoàn có khả năng bị tổn thương do áp lực từ xương mu.

Thoát vị bẹn: Khi tinh hoàn nằm ở bẹn có thế tạo ra khe hở giữa vùng bụng và ống bẹn. Khe hở này càng lớn có thể đẩy một phần ruột vào háng.

Ung thư tinh hoàn: Tỷ lệ này ít gặp hơn nhưng vẫn có thể xảy ra do tinh hoàn ở lạc chỗ ung thư hóa dần dần.

Bác sĩ khuyến cáo các bậc phu huynh chú ý kiểm tra cơ quan sinh dục của bé từ sớm. Nếu phát hiện bất kỳ sự bất thường nào thì nhanh chóng đưa đến các cơ sở y tế để kiểm tra, tìm ra nguyên nhân. Từ đó có phương pháp điều trị thích hợp để tránh các biến chứng và ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng sinh sản về sau.