- Ngôi nhà của họa sĩ Nguyễn Thọ Tường nằm trong một con ngõ trên quận Tây Hồ. Đó là một ngôi nhà đẹp với các phòng được trang trí gọn gàng, sang trọng, đẹp mắt. Ấn tượng đầu tiên với tôi là bức vẽ Gia đình treo ở phòng khách với 4 gương mặt được vẽ rất ngộ nghĩnh.
“Hai vợ chồng và hai đứa con tôi”, họa sĩ mỉm cười giải thích. Tôi ngạc nhiên vì chỉ bằng vài đường nét đơn giản, họa sĩ đã diễn tả được những nét đặc trưng nhất của cả gia đình mình, và trên hết thảy, ở đó toát lên vẻ đoàn tụ, sum vầy, hạnh phúc.
Bức tranh Gia đình |
Sinh năm 1957 tại Thạch Hà, Hà Tĩnh, Nguyễn Thọ Tường đã trưởng thành và có một cuộc sống mang lại sự hài lòng cho anh khi được gắn bó với nghệ thuật.
Tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 1987, sau đó anh về công tác tại một tạp chí với tư cách là họa sĩ thiết kế mỹ thuật. Trong thời gian này, ngoài công việc cũng liên quan đến nghệ thuật, Thọ Tường không ngừng sáng tác tranh. Anh đã có một vài triển lãm cá nhân tại Hà Nội và Pháp, đồng thời tham gia nhiều triển lãm nhóm, triển lãm của Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Thọ Tường cũng đoạt một số giải thưởng về mỹ thuật như: Giải thưởng của Triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 1990 và 2000, Giải thưởng Đồ họa quốc tế tại Nhật Bản (NOMA) năm 1994, Giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2002… Hiện tại Thọ Tường đã nghỉ hưu, anh dành nhiều thời gian hơn cho gia đình và sáng tác hội họa. Anh không vẽ nhiều, vẽ ào ạt như một số họa sĩ khác. Nhưng khi đã cầm cọ, tranh của anh ắt hẳn phải được vẽ một cách nghiêm túc, có sự tìm kiếm, thể nghiệm, có sự chín muồi của suy nghĩ, ý tưởng và tràn đầy cảm xúc.
Người họa sĩ cho tôi xem nhiều phác thảo, ký họa bao nhiêu năm qua của anh, từ thời còn là sinh viên trường mỹ thuật. Tất cả được anh gói ghém cẩn thận, nâng niu như những kỷ vật yêu quý. Nào lọ hoa loa kèn vẽ trên giấy bìa, nào những phố, những đồng, những trâu, những người vẽ bằng mực nho trên giấy dó, nào những gương mặt, những dáng ngồi…
Anh không tả thực, mà cô đọng hiện thực trong những đường nét giản đơn. Lối biểu hiện mà anh chọn cũng mang phong cách riêng, nó không lạnh lùng, vô cảm, gai góc như một số họa sĩ khác đang cố khuếch đại lên để thành cá tính, mà hài hòa, mềm mại, ngộ nghĩnh, đáng yêu.
Đơn giản bởi Thọ Tường không trực tiếp khai thác hiện thực, mà anh khai thác vẻ đẹp của chúng. Có lần, họa sĩ nói với tôi rằng anh không muốn nhìn sự vật như nó vốn tồn tại trong ý niệm của tất cả mọi người, mà muốn nhìn điều gì đó sâu thẳm trong nó, siêu thoát trên nó. Có lẽ bởi vậy mà xem tranh của anh, người ta thấy khác lạ mà vẫn gần gũi, yêu thương.
Bức tranh Người chơi đàn guitar |
Tranh của Nguyễn Thọ Tường kết hợp được tính trữ tình, sâu lắng của hội họa với tính logic, kiệm lời, biểu trưng của đồ họa. Người ta thấy ở những bức như Gia đình, Người chơi đàn violon, Xiếc, Bà cháu, Người chơi đàn guitar… những cách thức tối giản để một nhân vật được xuất hiện là chính nó, nhưng đồng thời cũng thấy ở đó vẻ đáng yêu, duyên dáng mà từng nét vẽ, từng mảng màu phối hợp với nhau một cách tự nhiên nhất để thể hiện chủ đề.
Ở khía cạnh nào đó, nghệ thuật là một thứ trò chơi, và nếu như ngôn từ là trò chơi của văn học, giai điệu là trò chơi của âm nhạc, thì màu sắc chính là trò chơi của hội họa. Theo nghĩa này, tranh của Nguyễn Thọ Tường đậm chất trò chơi. Hay nói cách khác, những bức tranh tưởng như được vẽ một cách đơn giản của anh lại chứa đầy tính nghệ thuật. Và họa sĩ không gồng mình lên để khiến nó trở nên lộng lẫy, bóng bẩy. Anh chỉ chơi, thế thôi, khi thản nhiên, suy tưởng mà cũng đầy hứng khởi, đam mê cầm cọ vẽ lên xúc cảm, ý nghĩ của mình. Anh không gắng sức để trở thành nghệ sĩ, nhưng từ trong bản thể anh luôn là nghệ sĩ.
Trong tác phẩm của Thọ Tường có giai điệu, đó là điều mà ngay lần đầu tiên xem tranh của anh tôi đã cảm nhận được. Âu cũng là lẽ thường tình, bởi các ngành nghệ thuật đều ít nhiều có chút liên quan. Nhưng ở tranh của Thọ Tường, tính giai điệu trở nên rõ ràng khi anh kết hợp các hình khối, màu sắc đa dạng trong một không gian nửa thực nửa hư, ở đó vừa có sự suy tính cân nhắc lại vừa có sự ngẫu hứng. Các nốt nhạc không được vẽ nhưng dường như âm giai của chúng đang chảy tràn trên từng nét vẽ, và đó là những hòa âm vui nhộn, tinh tế, trong sáng.
Họa sĩ Nguyễn Thọ Tường |
Có lẽ bởi vậy mà tôi yêu vô cùng những bức vẽ về âm nhạc của Nguyễn Thọ Tường. Khi là người đàn bà ngồi kéo violon bên cửa sổ, lúc là một ban nhạc đang say sưa trong một giai điệu đỏ, khi là một người ngồi ghế chơi đàn guitar với cái chân dài ngoẵng, có khi cũng là người chơi guitar, nhưng đang ngồi bắt chéo chân, mắt nhắm, trán nhăn, gần đó là chiếc ly cạn, phía sau là mảnh trăng khuyết vàng nhạt…
Sự hài hước khiến hội họa của Nguyễn Thọ Tường trở nên vô cùng duyên dáng, quyến rũ. Tôi khó mà không mỉm cười khi xem tranh của anh, thậm chí với cả những bức anh vẽ với chủ đề ít nhiều mang tâm sự nhân tình thế thái. Chính sự hài hước đáng yêu đó đã khiến cho mọi ranh giới, giữa buồn và vui, giữa đẹp và xấu, giữa thiện và ác, giữa cái hữu hạn và vô hạn… trở nên nhòe mờ. Chỉ còn lại vẻ lấp lánh của một niềm vui nhè nhẹ lan tỏa, của nỗi hân hoan và tình yêu, điều mà có lẽ họa sĩ muốn gửi gắm.
Tạm biệt họa sĩ Thọ Tường, tôi ra về với cảm giác lưu luyến kỳ lạ với những bức tranh ấy. Cái niềm vui dịu dàng mà chúng mang lại cho người xem quấn quýt mãi bên tôi, lan tỏa trong cả không gian đang dần ấm áp lên của Hà Nội phố, khi mùa xuân đang đến.
Phạm Quỳnh An