Câu hỏi mà họ đã đặt ra cho tôi là: tại sao lại không làm về những người xung quanh mình? Tại sao lại không làm về những câu chuyện của thuyền nhân, những câu chuyện vượt biên hồi sau năm 1975?

Phần 1: Nhà báo Lê Bình: "Tôi không có ý định phải đi cứu thế giới"

Tuần Việt Nam xin tiếp tục giới thiệu phần cuối cuộc đối thoại với nhà báo Lê Bình - Giám đốc của VTV24

Nhà báo Thu Hà: Khi theo dõi trên các diễn đàn, tôi nhận thấy nhiều ý kiến chia sẻ với chị và các cộng sự khi làm “Hành trình của sự sống và cái chết”. Tuy nhiên đây đó vẫn còn một vài người chắc vì lý do này lý do khác khi đặt vấn đề rằng, xung quanh chị có rất nhiều hoàn cảnh cũng cần được hỗ trợ, cũng cần được ghi lại như hành trình chị đã làm ở Trung Đông. Họ hỏi: Tại sao chị phải đi một cái hành trình xa đến như vậy để làm phóng sự trong khi những người ở gần chị cũng đang cần được chị chia sẻ?

Nhà báo Lê Bình: Tôi cho rằng mọi sự nó đều là nhân duyên. Như ban đầu tôi đã chia sẻ, khi làm bộ phim “Hành trình của sự sống và cái chết” chúng tôi hoàn toàn không có ý định đi cứu thế giới, chúng tôi cũng không định đi thực hiện một chương trình nhằm gây tiếng vang hoặc là mang lại uy tín cho mình. Bộ phim này đã đến với chúng tôi một cách tự nhiên như định mệnh.

Câu hỏi mà họ đã đặt ra cho tôi là: tại sao lại không làm về những người xung quanh mình? Tại sao lại không làm về những câu chuyện của thuyền nhân, những câu chuyện vượt biên hồi sau năm 1975 có đúng không?

Nhà báo Thu Hà: Vâng, đó là những câu hỏi tôi muốn đặt ra cho chị.

Nhà báo Lê Bình: Tôi cũng nói thẳng là tôi chưa đủ nhân duyên để làm về những câu chuyện đó. Tôi là một nhà báo chuyên viết về các vấn đề kinh tế. Bộ phim “Hành trình của sự sống và cái chết” đến theo bản năng của một nhà báo.

{keywords}
Nhà báo Lê Bình. Ảnh: VietNamNet

Có lẽ, sẽ có một lúc nào đấy, khi có cơ duyên, tôi cũng có thể sẽ thực hiện một chương trình về những thuyền nhân năm 1975. Nhưng nếu có làm về nó, tôi cũng không làm một cách hằn học. Tôi không muốn khơi dậy cái nỗi đau của dân tộc này để mang lại sự vẻ vang cho mình, mang lại danh tiếng cho mình.

Nếu có viết tôi sẽ viết để làm sao mọi người có thể nhìn lại sự thật một cách chân thực. Để chúng ta nhìn vào điều đó, nhìn vào quá khứ để cùng nắm tay nhau, tiến đến một tương lai tử tế, không có một người nào tử tế mà lại muốn cho một cái dân tộc bị chia rẽ đâu. Bất cứ ai mà muốn cho dân tộc này bị chia rẽ, gây hận thù đều là tội đồ.

Tôi không tin rằng hằn học chính là yêu nước, những cái thứ mang danh yêu nước ấy chỉ là giả vờ, là nhân danh. Chính vì vậy tôi cũng trả lời thẳng là, hãy đừng nhìn quá khứ đau thương bằng một sự hằn học. Khơi dậy quá khứ đau thương để tạo hận thù dân tộc chỉ có hại cho đất nước này thôi. Đấy là câu trả lời của tôi.

Nhà báo Thu Hà: Tôi hoàn toàn đồng ý với chị, đau khổ mà chúng ta đang gây ra cho nhau đều bắt nguồn từ con người, từ cách ứng xử giữa con người với con người? Những câu chuyện xảy ra ở Trung Đông là vậy, những câu chuyện xảy ra ở xung quanh nơi chúng ta đang sống cũng vậy. Cũng nhân câu chuyện này, tôi muốn hỏi chị nghĩ gì về trách nhiệm xã hội, trách nhiệm giữa con người và con người?

Nhà báo Lê Bình: Tôi rất là thích bốn câu thơ của Nguyễn Sĩ Đại. Tôi không rõ tiêu đề lắm nhưng mà nó như thế này: “Người vá trời lấp bể; Kẻ xây lũy đắp thành; Ta chỉ là chiếc lá; Việc của mình là xanh”.

Bốn câu thơ này rất là hay! Tôi chỉ là một chiếc lá, tôi là một người làm báo, trách nhiệm xã hội của tôi là làm nên những bài báo tử tế và có ích.

Chúng tôi làm xanh cuộc đời bằng những chương trình truyền hình như “Cặp lá yêu thương”, “Việc tử tế”. Những chương đang khiến cho người ta xích lại gần nhau hơn, khiến cho yêu thương trong xã hội này được lan tỏa nhiều hơn. Đấy là những cái mà trong trách nhiệm làm báo tôi đã làm và tôi nghĩ rằng là tôi phải làm.

Nhà báo Thu Hà: Chị Bình ơi, khi nói về sự tử tế, có người bảo với tôi rằng chúng ta đang rời bỏ sự tử tế, người khác lại bảo sự tử tế đang rời bỏ chúng ta. Cá nhân chị nghĩ thế nào?

Nhà báo Lê Bình: Sự tử tế nằm sâu trong mỗi con người. Sự tử tế vốn dĩ có sẵn ở trong mỗi chúng ta. Nhưng rồi những bon chen của cuộc sống, tham sân si đã che lấp đi và mỗi người cứ ngày càng tham sân si hơn một tí, nghĩ về mình nhiều hơn một tí…. Ai cũng nghĩ đến cái lợi cho mình.

{keywords}
Ảnh: VietNamNet

Tôi tin rằng nếu mọi người bớt dùng với nhau những từ cay độc đi, bớt nói chuyện thiệt hơn, bớt suy nghĩ xấu về nhau thì thực sự tôi nghĩ là sự tử tế khắc trở lại. Tử tệ chẳng đi đâu xa nó vẫn nằm trong tim chúng ta. Chúng ta phải cùng nhau đánh thức  nó dậy.

Nhà báo Thu Hà: Như chị biết đấy, khi mà giá trị đồng tiền lên ngôi, khi mà người người đua nhau kiếm tiền bằng mọi giá…. Thì làm sao có thể thức tỉnh sự sử tế?

Nhà báo Lê Bình: Nếu như ai cũng nghĩ rằng phải người kia làm việc tử tế đi thì tôi mới làm theo thì chắc chắn là sự tử tế sẽ không tỉnh dậy đâu.

Sự tử tế mà bạn nói, nó không xuất phát từ ai đấy đâu, đừng có ngồi đấy mà chờ đợi. Chính chúng ta ngày hôm nay làm điều tử tế trước dù nhỏ cũng được, dù lớn thì càng tốt.  Hãy sống như  những cái lá để cùng nhau tích cóp lan tỏa sự tử tế càng nhiều càng tốt, còn không cũng sẽ như que diêm của cô bé bán diêm thôi.

Nhà báo Thu Hà: Chị vừa nói rằng, chúng ta phải sống với nhau làm sao không được cay độc, làm sao chia sẻ hơn. Tôi được biết có những lúc chị từng phải đối diện với những lời nói rất gay gắt. Làm thế nào chị vượt qua được? 

Nhà báo Lê Bình: Ai đó nói lời yêu thương với tôi thì tôi để ở trong tai còn ai đó nói lời cay độc hay là nói xấu tôi ấy thì tôi thả cho nó bay đi.

Mỗi một buổi tối tôi thường ngắm mình trong gương và tự hỏi ngày hôm nay có làm điều gì đấy xấu xa với ai không?; hôm nay mình đã giúp được ai chưa? Nếu đã giúp được ai tôi tự mỉm cười với mình, còn nếu như đã làm điều gì sai thì nhất định ngày mai tôi không cho phép mình lặp lại.

Cuộc sống rất ngắn ngủi, cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, có thể ngay ngày hôm nay, ngay ngày mai. Cho nên nếu không làm điều tử tế ngay từ thời điểm này, ngay giây phút này thì có lẽ chưa chắc có sự tử tế của ngày mai được đâu.

Nhà báo Thu Hà: Sau “Hành trình về sự sống và cái chết”, trở về với gia đình, chị đã chia sẻ gì với chồng, với con và với các đồng nghiệp của chị?

Nhà báo Lê Bình: Tôi thấy yêu thương mọi người hơn và tôi cũng hài lòng với cuộc sống của mình hơn.

Tôi cũng đã từng đi chứng kiến những cảnh sống, những cuộc sống còn nhiều khó khăn của những cháu bé Việt Nam ở vùng sâu, vùng xa, ở những vùng lũ lụt…  Nhưng những khó khăn đó chưa thấm gì so với địa ngục của trần gian tại Trung Đông.

Ở đó, hàng ngày đang có những người tự dưng bị bắn chết, trúng bom chết, đạn lạc chết. Có những người chết mà không hiểu ai đã giết mình, không biết nguyên nhân mình phải chết. Và cũng có những người người chết khi thấy rõ đôi mắt của kẻ ác, kẻ đang giết mình. Không ít người phải cảm nhận nỗi đau xé da thịt nơi lưỡi dao đang kề vào cổ. Và ám ảnh hơn cả là những đứa trẻ con, những đứa bé phải chứng kiến cái chết của cha mình, của mẹ mình, của cô, dì, chú, bác mình. Như vậy nó không chỉ bị đói, không chỉ bị rét, không chỉ bị khát, không chỉ thiếu thốn đủ mọi bề, bị hành hạ mọi thân xác mà cái điều quan trọng nhất là nó bị hành hạ về tinh thần.

Trở về, nhìn thấy con tôi lại nhớ đến những đứa trẻ đó, đó là những đứa trẻ sinh ra bị hành tội. Khi bưng bát cơm lên ăn tôi đều nhớ đến những đứa trẻ đó, nhớ tới ba củ khoai tây của một gia đình Syria trong một trại tị nạn.

Những câu chuyện này tôi đều đã chia sẻ với chồng, với gia đình và đặc biệt với các con. Tôi muốn qua đó dạy con cái biết cách chia sẻ, biết cách yêu thương.

Nhà báo Thu Hà: Chị đã dạy điều đó cho cháu?

Nhà báo Lê Bình: Trẻ con thường học từ hành vi của bố mẹ. Chỉ là lời nói không thôi thì chưa đủ đâu. 

Tôi tin rằng tôi cũng đã để cho con tôi hiểu được thông điệp: trong cuộc sống này cứ cho đi thì chúng ta sẽ được nhận lại. Lúc này cháu còn bé quá, nó còn nhiều ham muốn nhưng khi lớn lên nó sẽ học được cái thông điệp đấy và sẽ trở thành người tốt.

Nhà báo Thu Hà: Cám ơn nhà báo Lê Bình và các cộng sự của mình đã đem đến cho chúng tôi một cái nhìn cận cảnh về cuộc sống của những con người đang ở tận cùng của sự thống khổ. Cám ơn chị đã dành thời gian cho Tuần Việt Nam. Cám ơn quí vị độc giả đã dành thời gian theo dõi.

Tuần Việt Nam