Đây là chia sẻ của TS. Nguyễn Văn Hoà (nhà sáng lập hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Cầu Giấy, Hà Nội) tại Hội thảo "Trường học hạnh phúc - Con đường chúng ta đi".
Hội thảo do Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) phối hợp cùng hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cùng kênh truyền hình giáo dục VTV7 tổ chức trong 2 ngày 20- 21/10. Hội thảo thu hút 500 hiệu trưởng trên khắp cả nước tham dự.
Hiệu trưởng kể những tháng ngày đi “xử kiện”
Chia sẻ tại hội thảo, TS Nguyễn Văn Hoà cho biết ngay từ những ngày đầu mới thành lập trường, ông luôn giữ triết lý và mục tiêu giáo dục để đào tạo nên những lứa học trò xuất sắc, tài năng và trở thành nhân tài của xã hội.
Theo đó, dù là trường dân lập nhưng thầy Hoà xây dựng phương hướng quản lý, phong cách theo hướng các trường công lập vì phụ huynh lúc bấy giờ tin tưởng vào chất lượng các trường công lập nhiều hơn.
“Khi áp dụng vào hiện thực, nhiều vấn đề nảy sinh khiến "tư tưởng đào tạo nhân tài" tiêu tan: học sinh quậy phá, không chịu học hành, gây rối. Giáo viên bị xúc phạm, lên tìm hiệu trưởng để "kiện", không chịu được áp lực rồi xin nghỉ việc. Trong khi đó, phụ huynh khi thấy con không tiến bộ cũng lên tìm hiệu trưởng để "kiện"…
Cha mẹ mong con đến trường sẽ giỏi giang. Nhà trường thi hành những biện pháp, quy chế ngặt nghèo. Nhiều thầy cô phải bỏ nghề do không chịu được áp lực từ trường tư. Tôi thì suốt ngày đi "xử kiện", nhiều lúc nghĩ: Đời hiệu trưởng sao mà khổ thế!", thầy Hòa kể lại.
Trước thực tế này, thầy Hoà cho rằng cần phải thay đổi nhà trường và thay đổi bản thân với mục tiêu: phải cởi trói cho học trò bằng cách giảm bớt những quy chế, quy định trong nhà trường.
Ông cho rằng, nhiều người nghĩ rằng càng đặt ra nhiều quy định sẽ càng dễ quản lý được học sinh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc nhà trường đưa ra càng nhiều quy định, học sinh càng tìm cách phá vỡ vì các em đang trong tuổi dậy thì, độ tuổi hiếu động, nghịch ngợm.
Hành trình thuyết phục
Nói về hành trình “cởi trói” cho học trò, thầy Hoà cho biết ông bắt đầu từ việc “cởi trói” giáo viên bằng cách thuyết phục các thầy cô và thuyết phục chính mình phải yêu thương học trò - không áp dụng những kỷ luật hà khắc khi học sinh làm sai hoặc bị điểm kém.
Đặc biệt, nhà trường, thầy cô cũng thay đổi tư duy không đặt nặng thành tích, chạy theo điểm số. Bởi việc chạy theo thành tích sẽ khiến học sinh mất đi sự độc lập, tự tin và trở thành những con người "chỉ biết thực hành", không đào tạo ra được những người sáng tạo.
“Chúng tôi tập trung xây dựng bầu không khí vui vẻ trong lớp học. Tôi khuyên các thầy cô đừng dùng con mắt phân loại, con mắt điểm số để nhìn học trò, đặc biệt với những em học sinh trường tư thục vì có những em không đủ điểm vào trường công lập mới vào trường tư thục", thầy Hòa chia sẻ.
Hơn nữa, học tập chỉ là một trong những năng lực của con người và không có học sinh nào là yếu kém. Vì thế, ông thay đổi tư duy, đặt ra mục tiêu giáo dục sẽ vì sự tiến bộ phát triển của học sinh thay vì đạt được điểm số và thành tích cao.
TS Nguyễn Văn Hòa quan niệm và nhận thấy, học sinh rất nhiều năng lực, có những “mỏ vàng” chưa được khám phá. Cần làm nó phát lộ và phát huy để trở thành điểm sáng. Đó là nhiệm vụ, sứ mệnh của nhà giáo.
Để làm được điều này, ông cho rằng người thầy nên trở thành người truyền cảm hứng. Điều đó đồng nghĩa với việc giáo viên phải dạy học làm sao để học sinh thấy hứng thú, thích đi học, cảm thấy tò mò, từ đó các em trở nên chăm học và phấn đấu trong tương lai.
Thầy cô nên làm cho việc học tập không còn là “nỗi khiếp sợ”, không còn là “cực hình”, trái lại, hãy làm cho học sinh thấy vui khi đến trường, lúc đó trẻ sẽ chịu học, thích học, các em sẽ dần tiến bộ.
Khi nói đến Trường học hạnh phúc, TS Nguyễn Văn Hòa hàm ý cách thức vận hành và thay đổi cách vận hành. Đây là tất yếu và đòi hỏi của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và phát triển đất nước.
“Tuy là lựa chọn không dễ dàng nhưng có thể làm được. Chúng ta thay đổi vì một trường học hạnh phúc”, TS Nguyễn Văn Hòa nhấn mạnh và chia sẻ, trường học hạnh phúc có được khi ta thay đổi cách vận hành nhà trường với mục tiêu giáo dục vì sự phát triển con người, vì con người. Trường học hạnh phúc làm bầu không khí nóng ấm trong mối quan hệ giữa con người và con người.