Chiều 29/8, đại diện 10 doanh nghiệp lớn đã cùng nhau ký kết thỏa thuận về việc từ chối cung cấp dịch vụ đối với khách hàng vi phạm nghĩa vụ thanh toán cước truy nhập Internet ADSL/FTTH. 

Theo đó, các doanh nghiệp gồm Viettel, VNPT, MobiFone, FPT Telecom, CMC Telecom, SPT (Saigon Postel Corp), HTC-ITC, Indochina Telecom, Netnam và VTC Digicom đã bàn bạc, đi đến sự thống nhất cam kết từ chối cung cấp dịch vụ cho các khách hàng đăng ký mới dịch vụ truy nhập Internet ADSL/FTTH khi vi phạm nghĩa vụ thanh toán giá cước với một trong các bên.

Các doanh nghiệp cũng thống nhất sẽ chuyển dữ liệu khách hàng vi phạm tới Hệ thống lưu trữ và hỗ trợ truy vấn khách hàng vi phạm đặt tại Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Mạng và Dịch vụ (Cục Viễn thông). Đây là hệ thống trung gian để lưu trữ và hỗ trợ cho các doanh nghiệp truy vấn khách hàng vi phạm.

Các doanh nghiệp sẽ cùng xây dựng hệ thống kỹ thuật, các quy trình, thực hiện cập nhật thông tin khách hàng vi phạm và cùng chi trả các chi phí thuê hạ tầng, thiết lập, quản lý, khai thác hệ thống.

Nhà mạng bắt tay từ chối cung cấp dịch vụ Internet đối với người dùng nợ cước. Ảnh: Trọng Đạt.

Trong quá khứ, tình trạng nợ cước viễn thông đã gây ra ra nhiều nhiều vấn đề cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp. Một số người dùng cố tình nợ cước viễn thông, sau đó lại chuyển sang một nhà mạng khác để đăng ký hòa mạng mới, dẫn đến tình trạng lạm dụng hệ thống. 

Điều này không chỉ gây ra tình trạng thiếu minh bạch trong quản lý mà còn làm ảnh hưởng tiêu cực đến sự cạnh tranh trong ngành, làm cho tỷ lệ nợ cước tăng lên, chất lượng đi xuống và đặc biệt là các sợi cáp quang không bị thu hồi và trở thành rác thải. 

Với mục tiêu tạo ra môi trường công bằng, minh bạch, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông đề nghị các doanh nghiệp viễn thông nghiêm túc thực hiện các nội dung đã đồng thuận tại lễ ký kết, bảo đảm khách hàng nợ cước không thể được sử dụng dịch vụ của nhà mạng khác.

"Các doanh nghiệp cần tăng cường truyền thông tới khách hàng để nâng cao ý thức trong việc sử dụng dịch vụ, rà soát các hợp đồng mẫu, bổ sung các điều khoản hợp đồng để bảo đảm người sử dụng thực hiện nghiêm túc. Đồng thời, nên tiến hành rà soát lại các chương trình khuyến mãi để bảo đảm người dùng không lợi dụng để chuyển dịch giữa các nhà mạng”, ông Nhã nói. Cục Viễn thông khuyến khích các doanh nghiệp viễn thông còn lại chủ động tham gia vào cam kết này.

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông. Ảnh: Trọng Đạt.

Chia sẻ tại lễ ký kết, các doanh nghiệp tham gia đều khẳng định hoàn toàn nhất trí và cam kết đồng lòng trong việc thực hiện thỏa thuận chung. 

Theo đại diện VNPT, tỷ lệ khách hàng rời mạng với lý do liên quan đến nợ cước và chuyển sang các nhà mạng khác là một thực trạng nhức nhối hiện nay. Để thị trường phát triển lành mạnh, cần có sự hài hòa giữa lợi ích của khách hàng, doanh nghiệp và Nhà nước. 

Thỏa thuận vừa ký kết cho thấy sự đồng thuận giữa các nhà mạng trong việc đảm bảo phát triển lành mạnh của thị trường và duy trì sự văn minh trong quá trình kinh doanh. VNPT mong muốn lan tỏa thỏa thuận này sang các nhà mạng khác, không chỉ 10 nhà mạng lớn để việc triển khai nội dung cam kết đi vào thực chất và hiệu quả. 

Ông Phó Đức Kiên, Phó Tổng Giám đốc CMC Telecom cho rằng, việc người dùng nợ cước, không thực hiện đủ nghĩa vụ hợp đồng đã chuyển sang các nhà mạng khác gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp viễn thông. 

Chúng tôi thấy thỏa thuận này là cần thiết. Việc các doanh nghiệp lớn cùng nhất trí thực hiện thỏa thuận không cung cấp dịch vụ đối với thuê bao nợ cước sẽ tạo sân chơi lành mạnh, giúp thị trường cùng nhau phát triển”, ông Kiên nói.