Cả ba nhà mạng lớn đều nhận định nhu cầu sử dụng dịch vụ 3G sẽ tăng cao đột biến trong dịp Tết Ất Mùi.
Đại diện MobiFone cho biết, những năm gần đây, người dùng có xu hướng không nhắn tin và gọi điện theo cách thông thường mà chuyển sang sử dụng nhiều dịch vụ 3G, tập trung vào việc gửi hình ảnh, lời chúc năm mới dành cho bạn bè, người thân của mình. Ngoài ra, việc các bạn trẻ thường xuyên chia sẻ video trong dịp Lễ Tết cũng là lý do khiến cho nhu cầu sử dụng dịch vụ 3G tăng cao.
Chính vì thế, nhà mạng này đã tập trung tăng cường và nâng cấp trạm 3G lên cấu hình mạnh nhất, điều động 10 xe phát sóng lưu động chuyên dụng vào các dịp Lễ hội, bắn pháo hoa để chống nghẽn cục bộ.Ông Đinh Việt Hưng – Trưởng phòng Giá cước Tiếp thị của MobiFone cho biết dung lượng hiện tại của mạng có thể đáp ứng đủ cho hơn 40 triệu thuê bao sử dụng dịch vụ thoại và hơn 15 triệu thuê bao sử dụng dịch vụ data. Hệ thống máy chủ đủ để đáp ứng cho 40 triệu bản tin SMS trong 1 giờ, dự kiến đủ cho nhu cầu tăng dung lượng trong dịp Tết. Riêng trong năm 2014, MobiFone đã tăng gần 40% số lượng trạm 3G trên toàn quốc. Trong đó, khu vực miền Bắc tăng 35%, Khu vực miền Trung tăng 45%; Khu vực thành phố Hồ Chí Minh tăng 25%; Khu vực các tỉnh miền Nam tăng 46%....
Trong khi đó, tại Hội nghị Giao ban QLNN tháng 1/2015 của Bộ TT&TT mới đây, ông Hoàng Sơn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết Tập đoàn này đã tập trung lực lượng kỹ thuật chuẩn bị hạ tầng cho dịp Tết Âm lịch, đồng thời tối ưu hóa lại năng lực mạng lưới để đáp ứng việc di chuyển rất lớn giữa các tỉnh của người dân trong dịp này. "Qua nhiều năm, bài toán lưu lượng đã được Viettel tính toán tương đối đầy đủ, tập trung năng lực hạ tầng mạng lưới, đặc biệt là 3G", ông Sơn nhấn mạnh.
Về phần VinaPhone, đại diện nhà mạng này lại dự đoán lưu lượng liên lạc dịp Tết năm nay sẽ được san tải chứ không tập trung cục bộ như mọi năm, do ngày nghỉ Tết dài, kinh tế ấm lên nên người dân sẽ đi du lịch nhiều hơn. Mặc dù vậy, VinaPhone cho biết vẫn tập trung nâng cấp các trạm 2G và 3G trên toàn quốc, đặc biệt là những nơi tập trung lễ hội ở các địa phương để đảm bảo việc liên lạc thông suốt.
Đồng thời, các xe lưu động phát sóng sẽ được điều động ứng trực 24/24 giờ để kịp thời ứng cứu khi có sự cố nghẽn mạng. "Việc xây dựng và triển khai công tác chống nghẽn đã được chúng tôi thực hiện ngay từ tháng 10, liên tục kiểm tra, điều chỉnh cho phù hợp thực tế", đại diện VinaPhone cho hay. "Năng lực hiện tại của hệ thống VinaPhone có thể xử lý lưu thoát được tối đa 42 triệu SMS/giờ".
Mặc dù vậy, người dùng vẫn được khuyến nghị cùng phối hợp với nhà mạng chống nghẽn, chẳng hạn như khi cuộc gọi không thực hiện được, người dùng nên chờ ít phút trước khi bấm máy gọi lại, hạn chế xem video hoặc những chương trình đòi hỏi băng thông lớn vào đúng khung giờ cao điểm (từ 23h đến 1h00 trong đêm Giao thừa)...
Ghi nhận kế hoạch đối phó nghẽn mạng dịp Tết của doanh nghiệp viễn thông song Cục Viễn thông vẫn đề nghị nhà mạng cần chuẩn bị thêm phương án dự phòng, đề phòng sự cố xảy ra. Bản thân Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề này khi chỉ đạo cụ thể các doanh nghiệp viễn thông, Internet, bưu chính phải đảm bảo dịch vụ thông suốt trong dịp Tết, tăng cường chống nghẽn, phục vụ người dân 24/24. Đặc biệt, các cơ quan thuộc Bộ đều phải phân công trực để khi có sự cố sẽ phối hợp chỉ đạo, ứng cứu được trong thời gian sớm nhất.
T.C