Nhà phát triển dịch vụ email bảo mật ProtonMail hôm nay vừa lên tiếng phản đối cách Apple sử dụng App Store của hãng để kiểm soát khả năng tiếp cận của các nhà phát triển khác đến người dùng iOS, đồng thời triệt hạ các đối thủ cạnh tranh. Chính vì vậy, ProtonMail kêu gọi các cơ quan quản lý cần đưa ra những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa.

"Apple đã trở nên độc quyền, nghiền nát các đối thủ tiềm năng với các khoản phí như bóc lột và tiến hành kiểm duyệt theo yêu cầu của những tên độc tài" – nhà sáng lập và CEO ProtonMail, Andy Yen, viết trên blog của công ty như vậy. "Chúng tôi biết điều đó vì bản thân đã âm thầm chịu đựng hành vi lợi dụng này trong nhiều năm".

Yen khẳng định Apple đang sử dụng quyền lực thị trường của hãng "để bắt tất cả chúng ta [các nhà phát triển] làm con tin". Gọi khoản hoa hồng 30% mà Apple thu từ bất kỳ đơn hàng nào thông qua App Store của hãng là một loại "thuế", ông nói thêm rằng mọi quy tắc truyền thống trong ngành bán lẻ đều bị phá nát trong lĩnh vực phần mềm.

"Apple tìm cách thanh minh cho những khoản phí kia bằng cách nói App Store không khác gì một siêu thị, nơi mà các công ty muốn bán sản phẩm phải trả tiền thuê cho người chủ siêu thị (trong trường hợp này là Apple). Lập luận này lơ đẹp sự thật là trong thế giới iOS chỉ có đúng một siêu thị và không có bất kỳ siêu thị cạnh tranh nào để các công ty khác thuê chỗ bán hàng. Việc Apple sở hữu một siêu thị và cho thuê chỗ là không bất hợp pháp, và việc họ sở hữu siêu thị duy nhất kia cũng vậy. Điều bất hợp pháp ở đây là hành vi lợi dụng việc họ sở hữu siêu thị duy nhất để thu những khoản phí cao ngất ngưỡng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến các đối thủ cạnh tranh".

"Hình thức này có khác gì băng đảng bảo kê đâu" – Yen nói. "Đó là một khoản phí mà các nhà phát triển phải trả nếu họ muốn làm ăn yên ổn. Và đó là khoản phí mà suy cho cùng sẽ làm hại người tiêu dùng vì chúng sẽ được đẩy sang cho họ một cách gián tiếp, hoặc thông qua tăng giá bán, hoặc thông qua việc số lượng sản phẩm cạnh tranh trong cửa hàng bị giảm đi".

ProtonMail không phải là nhà phát triển đầu tiên nói khoản hoa hồng 30% của Apple giống như một khoản thuế đánh vào doanh thu của các công ty khác một cách không công bằng và khiến họ khó khăn hơn trong việc cạnh tranh với các ứng dụng bên thứ nhất của Apple. Yen viết rằng hành vi này không chỉ bất hợp pháp, mà "việc lạm dụng quyền lực để chèn ép tự do số đơn giản là phi đạo đức, và lẽ ra phải có ai đó vạch trần Apple vì hành vi này từ lâu rồi".

Amazon, Facebook, và Google là những hãng thường xuyên phải "ngồi ghế nóng" khi nhắc đến vấn đề chống độc quyền, phản cạnh tranh, và lạm dụng quyền lực thị trường. Nhưng Apple cũng đang phải đối mặt với nhiều cuộc điều tra – không chỉ ở Mỹ mà đặc biệt là ở châu Âu nữa.

Spotify từng nộp một đơn khiếu nại chống độc quyền đối với Apple lên các cơ quan quản lý ở châu Âu vào tháng 3/2019. "Apple đã đưa ra nhiều luật lệ trên App Store với mục đích giới hạn những lựa chọn và cản trở sự cải tiến vì lý do đảm bảo trải nghiệm người dùng" – nhà sáng lập và CEO Spotify, Daniel Ek, nói. Dịch vụ đọc sách số Kobo cũng làm điều tương tự vào tháng 6 năm nay.

Cuộc điều tra sơ bộ của Uỷ ban Châu Âu đã cho thấy "những quan ngại rằng chính sách hạn chế của Apple có thể bóp méo sự cạnh tranh trên thị trường dịch vụ stream nhạc trên các thiết bị của Apple", và tháng trước, EU đã chính thức mở một cuộc điều tra sâu hơn vào App Store của Apple và hệ thống thanh toán Apple Pay của hãng.

David Heinemeier Hansson, nhà sáng lập của dịch vụ quản lý email Hey, hồi tháng trước đã công khai chỉ trích Apple ưu ái các dịch vụ của hãng hơn các ứng dụng bên thứ ba, như dịch vụ Hey của ông. "Bạn thử lắng nghe một số nhà phát triển ứng dụng đi, họ nói như thể bị bắt làm con tin vậy" – Hansson nói. "Họ như thể đang đọc một tờ giấy được chuẩn bị trước, bởi nếu ngược lại thì Apple có thể gây bất ổn cho công việc kinh doanh của họ. Mà đúng là như vậy đấy!".

Ứng dụng nhắn tin Telegram cũng vào cuộc hồi tuần trước bằng cách nộp đơn lên EU cáo buộc Apple làm dụng "quyền lực độc quyền" để cản trở sự cải tiến.

Theo GenK