Ngày 21/10, ca sĩ Trini ra mắt album Chân dung gồm 9 bài hát do nhạc sĩ Quốc Bảo sáng tác: Chân dung tôi, Chỉ như câu hát thôi mà, Dài như hơi thở, Nhạt, Chạy đi, Nơi chốn thần tiên đó, Tro tàn của tiếng tăm, Phù du và Hoang mang.
Sản phẩm thuộc thể loại pop, cụ thể là adult contemporary pop (nhạc pop cho người trưởng thành, phân biệt với teen pop - dòng dành cho tuổi thiếu niên - PV).
Thầy trò rạch ròi tiền bạc, tình cảm
Album là kết quả của một thời gian Quốc Bảo quan sát giọng hát, suy nghĩ và con người Trini. Năm 2022, anh gửi học trò chùm 16 - 17 bài hát, cô chọn hầu hết bài buồn, thậm chí bài Nhạt được viết trong giai đoạn bị trầm cảm. Bài tình ca hạnh phúc duy nhất là Nơi chốn thần tiên đó.
Quốc Bảo hầu như chỉ chia sẻ về cảm xúc trong từng sáng tác, ngoài ra không can thiệp cách Trini xử lý bài. Cô đã thể hiện các nhạc phẩm hoàn toàn bản năng, những gì thuộc về con người mình.
Dịp này, Trini chia sẻ đầy đủ về mối quan hệ với thầy - nhạc sĩ Quốc Bảo. Năm 2016, khi đang học năm 3 Trường ĐH Tài nguyên Môi Trường TP.HCM, Trini chủ động liên lạc xin theo Quốc Bảo học nghề nhưng bị từ chối vì không có nền tảng.
Tốt nghiệp cử nhân, Trini thi đỗ Nhạc viện TP.HCM hệ chính quy, sau khi hoàn thành năm học đầu tiên vào 2019 mới được Quốc Bảo nhận làm học trò.
Với Quốc Bảo, Trini là 'cô họa mi của những tình ca ngùn ngụt lửa'. Anh tìm thấy trong giọng mezzo-alto đó tính chất 'vừa mãnh liệt vừa sầu bi, có thể ủi an những ai đang trải qua bi kịch', phù hợp với giai đoạn âm nhạc hiện tại.
Sự thật, Trini thích nhạc Đức Trí, việc quyết liệt 'bái sư' Quốc Bảo do... thần tượng Mỹ Tâm. Nhạc sĩ kể vui: "Lúc ấy, Trini không biết tôi nổi tiếng thế nào nên tỏ ra khá tự tin. Đến khi cô ấy biết sự thật, thấy sợ thì muộn rồi".
Từ đầu, họ đã thống nhất duy trì quan hệ công việc thuần túy, không dây dưa tình cảm hay tiền bạc. Trừ bài Yêu là không hối tiếc, Trini thanh toán đầy đủ phí tác quyền, chi phí sản xuất âm nhạc.
Nhờ vậy, cả hai làm việc sòng phẳng, thoải mái. Trini được thầy truyền dạy kiến thức, kinh nghiệm và tư duy âm nhạc cũng như gửi gắm các tác phẩm, còn Quốc Bảo tìm lại nguồn cảm hứng sáng tác mới từ cô học trò sau giai đoạn tâm lý bất ổn vì dịch bệnh.
Về danh xưng "Nàng thơ của Quốc Bảo", theo nhạc sĩ, nàng thơ cần đảm bảo song hành 2 yếu tố tình yêu và âm nhạc. Vì thiếu một yếu tố, anh không khẳng định hay phủ nhận, để mặc truyền thông phân định.
So với các nữ ca sĩ từng làm việc với Quốc Bảo, Trini có giọng hát, phong cách mạnh mẽ nhưng khá yếu đuối, mong manh trước áp lực.
Anh so sánh: "Đơn cử Mỹ Tâm - thần tượng của Trini chịu được áp lực rất lớn, những lúc tập trung gần như không biết áp lực là gì thì Trini rất dễ stress. Tối trước ngày họp báo, cô ấy phải nhập viện vì xuất huyết dạ dày. Vì vậy, tôi luôn muốn giúp Trini giảm bớt gánh nặng, không để cô quay quắt trong công việc".
Ngoài ra, Quốc Bảo trân trọng, ghi nhận những nỗ lực của Trini. Thu nhập của cô hoàn toàn từ âm nhạc, được tích cóp, dành dụm để quay MV, làm album, tổ chức live concert suốt 3 năm qua.
Ngoài định hướng vocalist, Quốc Bảo nhận thấy Trini có tiềm năng sáng tác âm nhạc, bày tỏ niềm tin cô có thể theo đuổi vai trò ca - nhạc sĩ.
Từng bỏ nhà vì bị cấm hát
Chia sẻ với VietNamNet, thành tựu lớn nhất của Trini sau 3 năm hát là khiến gia đình thay đổi thái độ với đam mê mình theo đuổi.
Trini sinh ra trong gia đình trung lưu, bố mất năm cô 4 tuổi, mẹ một thân bươn chải nuôi 8 con gái. Trước khi ra mắt công chúng, cô sớm bộc lộ đam mê, bắt đầu đi hát nghiệp dư từ năm nhất Trường ĐH Tài nguyên Môi Trường TP.HCM.
Trini bị mẹ cấm hát, gọi cho các tụ điểm đề nghị không mời show con gái nữa, còn chị gái nhìn nhận nghề là 'xướng ca vô loài'.
Một ngày, cô đi học về thấy nhà không có người nên dọn đồ đạc, lái chiếc xe Cub của bố bỏ đi với 130 nghìn đồng trong túi. Khi chạy khỏi cầu vượt Cây Gõ đến đường 3/2, tin chắc gia đình không tìm thấy mình nữa, cô dừng lại gọi bạn thân nhờ giúp đỡ.
"19 tuổi, tôi bắt đầu đời tự lập, không sống bằng tiền gia đình nữa. Lúc ấy, tôi liều lĩnh quá, đi mà không biết sẽ về đâu, hiểu biết về nghề cũng rất mơ hồ", 9X nhớ lại.
Từ căn phòng rộng rãi thoải mái, Trini học cách sống cùng 3 cô bạn trong căn phòng rộng 12m2. Ban đầu cô khó chịu nhưng dần quen, vui sống chung với bạn bè, được họ nuôi cơm.
Một ngày sau khi bỏ nhà đi, cô nghe duy nhất cuộc gọi từ mẹ, chịu mắng xối xả chỉ để nói: "Mẹ cho con đi, sống với những gì mình muốn. Con cam đoan không bỏ học và không hư hỏng".
Trini nói vui tình huống khá giống phim Nhà bà Nữ dù mẹ không bao giờ chửi thề. Trong cô, bà là người phụ nữ mạnh mẽ, một mình nuôi 8 con gái trưởng thành.
Bốn tháng sau đó, Trini trở về nhà mẹ ở Long An, tặng bà chiếc điện thoại mua bằng cát-sê đi hát và nói: "Mẹ yên tâm, con tự sống được, mẹ để con tự sống nha".
Cô giữ đúng lời hứa với mẹ, lấy bằng cử nhân Trường ĐH Tài nguyên Môi Trường TP.HCM rồi thi vào Nhạc viện TP.HCM. Hoàn thành năm học đầu tiên, mẹ Trini bắt đầu hồi tâm chuyển ý, đến nay hoàn toàn ủng hộ con gái theo đuổi đam mê.
Từ căn phòng 12m2 cho 4 người ở năm xưa đến căn hộ 45m2 hiện tại, Trini tự hào "chỉ sống bằng âm nhạc, không có nguồn thu nhập khác và mong mãi luôn như vậy".
MV 'Chân dung tôi'