Bài học kinh nghiệm này có thể nhìn thấy thông qua công tác thực hiện Chương trình 585 là Chương trình liên ngành đầu tiên trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước đây.

Qua nghiên cứu đánh giá, có thể thấy có 3 nguyên nhân đầu tiên khiến công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp gặp khó khăn.

emtc 2.jpg

Đầu tiên, đó là hoạt động này đối với Bộ, ngành Tư pháp là hoạt động mới, có tính phối hợp liên ngành. Trong khi đó, các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý chưa có nhiều kinh nghiệm. Hơn nữa, hình thức quản lý, phối hợp giữa các bộ, ngành bằng phương thức Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý còn chưa thật sự phát huy được toàn diện tính liên ngành của Chương trình. Sự tham gia, phối hợp của một số cơ quan, đơn vị đối với các hoạt động hỗ trợ pháp lý còn lúng túng và bị chi phối bởi các nhiệm vụ khác của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Điều này dẫn đến việc một số hoạt động chưa đồng bộ và chưa bảo đảm tiến độ theo đúng kế hoạch.

Một số bộ, ngành và chính quyền địa phương còn chưa thực sự quan tâm sát sao đến công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói chung; chưa quan tâm đến việc bố trí kinh phí cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp ở bộ, ngành và địa phương; công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp ở một số tổ chức đại diện cho doanh nghiệp còn hạn chế, chưa thực sự phát huy được vai trò hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hội viên.

 Ý thức tham gia tìm hiểu, học hỏi pháp luật của một bộ phận doanh nghiệp tại một số địa phương còn chưa cao. Mặc dù các cơ quan, tổ chức tham gia thực hiện hỗ trợ pháp lý áp dụng nhiều biện pháp chủ động, sáng tạo trong công tác tổ chức triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý xây dựng nội dung phù hợp với đặc thù riêng nhưng sự tham gia của doanh nghiệp đối với một số chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn hạn chế.

Sau 10 năm hỗ trợ pháp lý theo Chương trình 585 (giai đoạn 2010-2014 và giai đoạn 2015-2020) và bắt đầu thực hiện Đề án 345 giai đoạn 2021-2030, có thể thấy rằng, hiện nay nhu cầu về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng cao. Một trong những mục tiêu cơ bản của công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là xác lập, tăng cường và nâng cao kiến thức pháp luật cho các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có điều kiện và khả năng có thể tự giải quyết một số vấn đề pháp lý phát sinh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.

Mục tiêu này chỉ có thể đạt được thông qua việc tiến hành một cách đồng bộ, có hệ thống và liên tục các giải pháp hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Mặt khác, hiện nay, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 đã ghi nhận chế định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2019/NĐ-CP. Thời gian qua, Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung nhiều luật mới liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, như: Bộ Luật Lao động năm 2019, Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020... Bối cảnh này đặt ra yêu cầu cần sớm hiện thực hóa hiệu quả Đề án 345.

Về việc tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn, Bộ Tư pháp cần nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Nghị định 55/2019/NĐ-CP, từ đó đề xuất việc sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm huy động được sự tham gia trực tiếp của tổ chức đại diện doanh nghiệp, tổ chức dịch vụ pháp lý và các chuyên gia độc lập trong các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, từ đó, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý có tính mới, khuyến khích đổi mới sáng tạo;

Cùng đó, Bộ Tư pháp và Chính phủ cần sớm hoàn thiện Nghị định 55/2011/NĐ-CP (theo hướng nâng cao trách nhiệm, trọng tâm, chuyên môn hóa hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP);

Như vậy, thời gian tới trong năm 2024, chính phủ cần ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 55/2019/NĐ-CP và Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 55/2011/NĐ-CP để tạo môi trường thuận lợi cho công tác hỗ trợ pháp lý theo đề án 345.

Thời gian qua, việc xây dựng chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã phát huy vai trò định hướng cùng với các chương trình hỗ trợ pháp lý của các bộ, ngành, địa phương huy động được nguồn lực tổng hợp trong việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc.

Các hoạt động này đã phát huy hiệu quả, góp phần thiết thực vào việc nâng cao kiến thức pháp lý và thói quen sử dụng pháp luật trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, sẽ hiệu quả hơn nếu các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của các bộ, ngành, địa phương được thực hiện trong một thể thống nhất, có sự phối hợp, điều phối nguồn lực hợp lý, đặc biệt là với Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp.

Thu Huyền và nhóm PV, BTV