Năm 2023 gặp nhiều thách thức hơn
Nhiều đại diện tổ chức quốc tế, các nhà kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam bên thềm Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2023 do Ban Kinh tế Trung ương và Chính phủ phối hợp tổ chức hôm nay đã có một số phân tích và bình luận về mức tăng trưởng Việt Nam năm 2023.
Ông Andrew Jeffries Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam đã dự đoán Việt Nam sẽ tăng trưởng tầm 6.3% trong năm 2023. Tình hình kinh tế Việt Nam hiện tại quý 3 năm 2022 đã có sự phục hồi mạnh mẽ tuy nhiên quý 4 lại đang chững lại.
Xuất khẩu tăng trưởng 15% đang có những dấu hiệu chậm lại, chủ yếu là do sự chững lại của nền kinh tế các nước phát triển vì đây là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Điển hình là việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ và những Ngân hàng trung ương khác khiến nền kinh tế thế giới bị thắt chặt và đây sẽ là một rủi ro lớn cho Việt Nam.
Trong tháng 11, chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI (Purchasing Managers’ Index) của Việt Nam giảm còn 47 - 48%. Con số dưới 50% là những dấu hiệu đầu tiên của sự suy thoái trong sản xuất.
Phân tích thêm về tình hình kinh tế hiện nay, ông Andrew Jeffries cho biết, ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã hai lần tăng lãi suất trong năm nay và nới rộng biên độ dao động tỷ giá từ 3% lên 5% nhằm giảm áp lực lên dự trữ ngoại hối. Từ đầu năm đến nay, đồng Việt Nam đã mất giá so với đô la Mỹ khoảng 9%. Đó là nguy cơ làm tăng thêm lạm phát do Việt Nam nhập khẩu nhiều nhiên liệu. Đây cũng là rủi ro đối với một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam do Việt Nam nhập khẩu nhiều bán thành phẩm để lắp ráp và tái xuất khẩu.
Tuy nhiên, trưởng đại diện IMF tại Việt Nam và Lào – ông Francois Painchaud dự báo tăng trưởng Việt Nam năm sau khoảng 5.8% do sức cầu của thị trường thế giới co hẹp, chính sách tiền tệ thắt chặt và kéo dài hơn. Nhưng dù sao đây cũng vẫn được xem là mức tăng trưởng nhanh so với nhiều quốc gia khác.
Lấy lại động lực cho thị trường bất động sản
Bất động sản là một trong những lĩnh vực khó khăn trong năm 2023. Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM lo lắng, hiện tại, thị trường bất động sản đang đứng trước khả năng có thể rơi vào suy thoái nếu Nhà nước không sớm ban hành các giải pháp điều chỉnh, hỗ trợ kịp thời và hiệu quả, nhưng phải đi đôi với nỗ lực tái cấu trúc, tái cơ cấu của từng doanh nghiệp bất động sản về đầu tư, sản phẩm hướng đến nhu cầu thực của thị trường bất động sản.
Bởi lẽ dễ nhận thấy hiện nay, đã có một số Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang rất khó khăn; lợi nhuận sụt giảm mạnh, thậm chí bị lỗ; một số cổ phiếu bất động sản “nằm sàn”, đặc biệt là “rủi ro” bị sụt giảm sâu thanh khoản, có thể bị mất thanh khoản…
Nguyên nhân đầu tiên xuất phát từ quy định pháp luật, vướng mắc từ quy định pháp luật và dưới luật. Hơn 70% khó khăn của thị trường bất động sản là do vướng mắc về pháp lý. Các quy định dưới luật lại không phù hợp với quy định của luật hoặc xung đột với nhau. Thủ tục hành chính cũng tác động làm khó khăn vướng mắc cho thị trường BĐS.
Bên cạnh đó, có chuyện một số cán bộ công chức có liên quan đến thị trường bất động sản thoái thác trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm, đùn đẩy hồ sơ, không dám ra quyết định nên dự án bất động sản gặp khó khăn về thủ tục. Đó là nguyên nhân thuộc về phía nhà nước cần được xem xét giải quyết, ông Châu phân tích.
Về phía doanh nghiệp bất động sản, có tình trạng không thực hiện được đầy đủ các quy định pháp luật đối với dự án hay đầu tư dàn trải, không phù hợp với năng lực của mình. Một doanh nghiệp có thể chỉ có khả năng đầu tư 2, 3 dự án nhà ở nhưng lại đầu tư hàng chục dự án nên vượt quá tầm kiểm soát cũng như năng lực tài chính của chính mình. Có những trường hợp doanh nghiệp không tuân thủ chấp hành pháp luật, thậm chí có trường hợp vi phạm nghiêm trọng pháp luật và phải xử lý như thời gian vừa qua.
Giữ chân người lao động
Người lao động cũng là vấn đề báo động. Nhiều doanh nghiệp đang tìm mọi cách để giữ được chân người lao động, như ông Nguyễn Chí Trung – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Giày Gia Định nói hiện nay doanh nghiệp phải xoay tua lao động, có nghĩa là người lao động chỉ làm việc 50%, đây là một việc bất đắc dĩ nên doanh nghiệp phải cố gắng tìm những đơn hàng nhỏ lẻ của khách hàng không phải truyền thống để giải quyết được vấn đề việc làm cho người lao động.
Như vậy, Việt Nam cần có những hành động mạnh mẽ và quyết đoán hơn để nâng cao năng suất, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng và cải thiện môi trường kinh doanh cũng như nâng cao tay nghề và kĩ năng của người lao động khi đối diện với những khó khăn nội tại của nền kinh tế trên nhiều lĩnh vực, để đạt được mục tiêu trung hạn đến năm 2035 Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao và năm 2045 thành nước thu nhập cao.
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ năm được triển khai với mục đích tập hợp ý kiến các Bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế để phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện, sâu sắc về các kết quả, hạn chế tồn tại của kinh tế Việt Nam trong năm 2022 và bài học kinh nghiệm rút ra qua thực tiễn công tác quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô năm 2022. Nhận diện được cơ hội và những rủi ro và thách thức cả trong nước và từ bên ngoài, mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt trong năm 2023, cũng như dự báo các kịch bản tăng trưởng kinh tế và điều hành kinh tế vĩ mô năm 2023. Qua đó đề xuất các định hướng, khuyến nghị các cơ chế, chính sách nhằm cụ thể hóa cơ hội, để Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức. |
Lan Anh