Giấc mơ kéo dài nhiều thập kỷ
Giáo sư kinh tế tại trường Đại học Waseda, Tokyo, ông Trần Văn Thọ vẫn tỏ ra tràn đầy nhiệt huyết lẫn tâm tư với công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam. Trong cuộc trò chuyện gần đây khi ông về Hà Nội để dự lễ ra mắt cuốn sách “Võ Văn Kiệt – trăm năm trong một chữ dân”, Giáo sư say sưa nói về công cuộc chuyển đổi lớn của đất nước đến hiện đại, như những gì ông đã viết nhiều năm trước.
“Nước ta đã hội nhập rất sâu rộng với thế giới qua 16 FTAs thế hệ mới mà đến nay vẫn chỉ dừng lại ở khâu gia công, lắp ráp cho nước ngoài là chính do không sản xuất được linh phụ kiện. Chúng ta cũng chưa leo lên công đoạn cao hơn của chuỗi giá trị. Nếu kéo dài tình trạng này, Việt Nam khó mà thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hóa sâu và mạnh được”, ông nói.
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vẫn luôn là giấc mơ đeo bám nhiều thế hệ người Việt Nam sau khi chứng kiến những thay đổi ngoạn mục của thế giới bên ngoài sau mở cửa từ những năm đầu thập kỷ 90. Từ đó đến nay đã có tới khoảng 20 nghị quyết liên quan đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa được ban hành, nhưng rồi giấc mơ đó vẫn chưa thành hiện thực.
Cho đến gần đây, một nghị quyết riêng về mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến 205 lại được ban hành, thể hiện niềm khát khao đến thế nào trong phát triển đất nước. Đó là điều Giáo sư Thọ, người đã đóng góp rất nhiều công sức tư vấn trong các đời Thủ tướng, đồng tình. Tuy nhiên, ông nói: “Công nghiệp hoá nghĩa là phải tự sản xuất được nhiều thứ để nền công nghiệp nước ta chuyển dịch lên cao hơn”.
Nói thì đơn giản như vậy, nhưng làm thì rất khó. Năm 2007, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 55/QĐ-TTg xác định hàng loạt lĩnh vực ưu tiên, bao gồm dệt may, da giầy nhựa, chế biến nông, lâm, thủy hải sản, sản xuất thép, khai thác, chế biến bauxít, hóa chất. Hơn 6 năm sau, các ngành điện tử, máy nông nghiệp, đóng tàu, sản xuất ô tô và phụ tùng,… lại được bổ sung vào danh sách diện ưu đãi. Song, những gì diễn ra sau đó, ví dụ sự thất bại của Vinashin, Vinalines và một số công ty công nghiệp khác, cho thấy, danh sách ưu tiên càng dài thì càng khó phát triển. Đơn giản, tất cả cùng được ưu tiên lựa chọn cho thắng thì không còn ai được ưu tiên để thắng cả.
Ngày nay, Bộ Công Thương tính toán, ngành điện tử với giá trị xuất khẩu lên tới 100 tỷ USD/năm mà chỉ có tỷ lệ nội địa hóa 5-10%. Nhà đầu tư số FDI số một là Samsung chỉ thiết lập được chuỗi cung ứng với chỉ 40 doanh nghiệp Việt Nam. Nhận xét “đến cái đinh vít chúng ta cũng không sản xuất được” cách đây nhiều năm vẫn còn là thực tế khó chối bỏ khi đề cập về thực trạng ốm yếu của nền sản xuất nội địa.
Một nền kinh tế độc lập tự chủ
Thủ tướng Phạm Minh Chính gần đây đã đưa ra quan điểm Việt Nam cần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao, trong đó có yêu cầu phát triển đội ngũ doanh nghiệp lớn mạnh. Trong cuộc làm việc với Tập đoàn Trường Hải hồi đầu năm nay, ông nói: "Các đời lãnh đạo đều trăn trở làm sao làm chủ được ngành ô tô, phát triển nó lên,… Đến nay, dần dần có các doanh nghiệp như Thaco, VinFast đã tích cực nội địa hóa. Một đất nước phát triển hiện đại thì phải có công nghiệp hiện đại”.
Tại lễ xuất khẩu lô xe ô tô điện VF 8 sang thị trường Mỹ tại cảng MPC Port, TP Hải Phòng, Thủ tướng nói thêm: "Chúng ta có thể tự hào khi những chiếc ô tô mang thương hiệu Việt vươn ra thị trường toàn cầu. Điều này khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và tích cực hội nhập quốc tế”.
Cách tiếp cận của Vinfast (xây dựng thương hiệu, sản xuất lớn) là khác và phi truyền thống so với cách người Nhật sản xuất ô tô cách đây nhiều thập kỷ. Tất nhiên, những doanh nghiệp lớn đầu đàn như trên chỉ đếm trên đầu ngón tay. Việt Nam vẫn đang trở thành thị trường tiêu thụ ô tô nhập khẩu ngày càng lớn. Mà không chỉ trong ngành ô tô, còn có rất nhiều ngành khác.
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam hiện nay đang ở bước chuyển tiếp từ giai đoạn một sang giai đoạn hai trong quá trình phát triển công nghiệp, trong đó, mức độ hấp thụ công nghệ và trình độ quản lý sản xuất vẫn đang ở mức “rất hạn chế”. Nói cách khác, nền kinh tế mới vượt qua giai đoạn phát triển 0 (độc canh, nông nghiệp tự cung tự cấp, phụ thuộc vào viện trợ) và đang ở giai đoạn 1 (sản xuất đơn giản dưới sự hướng dẫn, điều phối của FDI) để chuyển sang giai đoạn phát triển 2 (phát triển công nghiệp hỗ trợ vẫn dưới sự hướng dẫn của FDI) trong quá trình phát triển 5 giai đoạn.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh thừa nhận một loạt khó khăn khi chưa đạt mục tiêu công nghiệp hóa năm 2020. Đó là GDP bình quân đầu người, tỉ trọng công nghiệp chế tạo và tỉ trọng nông nghiệp trong GDP, tỉ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội, tỉ lệ đô thị hóa, điện sản xuất bình quân đầu người, chỉ số bất bình đẳng thu nhập, tỉ lệ lao động qua đào tạo, tỉ lệ dân số sử dụng nước sạch,… mà để tháo gỡ cần rất nhiều nỗ lực và hành động thực tế.
Triết lý kinh doanh vì xã hội, vì đất nước, vì tương lai dân tộc
Về phần mình, Giáo sư Thọ nói đi nói lại rằng, để thực hiện công nghiệp hóa thì điều bắt buộc cần làm hỗ trợ để các doanh nghiệp trong nước mạnh lên. “Đa số doanh nghiệp Việt Nam là nhỏ và vừa, lại rất khó tiếp cận với vốn, đất đai và các nguồn lực. Cộng với nền hành chính còn rất nhiều thủ tục nhiêu khê, họ còn gặp khó khăn đến nhường nào”, ông nói với hàm ý, để doanh nghiệp dân tộc phát triển cần gỡ bỏ rất nhiều rào cản hiện tại. GS cho rằng, cần nhanh chóng cải thiện hệ thống giáo dục để đào tạo ra lao động lành nghề.
Trong cuốn sách “Kinh tế Nhật Bản - giai đoạn phát triển thần kỳ 1955-1973”, Giáo sư phân tích, những đặc điểm cơ bản về cơ cấu kinh tế của Việt Nam hiện nay như tỷ trọng của kinh tế cá thể, của doanh nghiệp nhỏ và vừa… rất giống với Nhật Bản vào giữa thập niên 1950, khi Nhật bắt đầu giai đoạn phát triển thần kỳ. Ông khuyên, ở Việt Nam cần đề cao triết lý kinh doanh vì xã hội, vì đất nước, vì tương lai dân tộc. Lãnh đạo doanh nghiệp của một nước còn ở giai đoạn phát triển thấp phải có tinh thần dân tộc đất nước mới phát triển.
Giải thích cho sự phát triển thần kỳ Nhật Bản sau bao đau đớn sau Thế chiến II, ông viết: “… người dân tin tưởng và tương lai của đất nước, ai cũng mơ về một ngày mai tươi sáng và thấy có trách nhiệm để làm giấc mơ trở thành hiện thực. Không khí nói chung là như vậy nhưng ai là người dẫn dắt dư luận để tạo ra niềm tin và thổi vào tâm hồn người dân giấc mơ đó? Đó là lãnh đạo chính trị, là trí thức, là lãnh đạo doanh nghiệp. Với tinh thần yêu nước và ý thức trách nhiệm cao, họ kết tập trí tuệ của mọi tầng lớp để làm cho Nhật khắc phục sự hoang tàn đổ nát sau Thế chiến II, khắc phục sự tủi nhục do phải chịu sự cai trị của quân đội Mỹ (đến năm 1951) và vươn lên địa vị của một đất nước thượng đẳng”.
Những lời gan ruột đó của Giáo sư thật đáng giá cho Việt Nam hôm nay trước chặng đường tới thịnh vượng trong tương lai.
Lan Anh