Ngày 10/9/2024, Diễn đàn công Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) 2024 đã khai mạc tại Geneva, Thụy Sĩ, với chủ đề “Tái toàn cầu hóa: Thương mại toàn diện hơn cho một thế giới tốt đẹp hơn”. Diễn đàn năm nay nhằm tìm ra cách thức để tái toàn cầu hóa có thể giúp thương mại trở nên toàn diện hơn và nhiều người được hưởng lợi hơn.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, Phái đoàn Việt Nam tại WTO ngày 12/9 đã có buổi làm việc với đại diện Phòng Thương mại Mỹ tại EU (AmCham EU) nhằm trao đổi về các vấn đề thương mại đa phương và các khía cạnh hợp tác mà hai bên có thể cùng đóng góp cho WTO.

Diễn đàn Công chúng WTO năm nay diễn ra trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang trải qua quá trình tái cấu trúc, với các chuỗi cung ứng đang tìm cách chuyển đổi để phát triển bền vững hơn và nâng cao khả năng ứng phó với các cú sốc chính trị, an ninh và biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh này, các phiên thảo luận tại diễn đàn đã tập trung vào những xu hướng mới mà các quốc gia đang phát triển và kém phát triển cần chú trọng để đối phó hiệu quả với các thách thức và tận dụng những cơ hội mới.

Tại cuộc gặp, ông Lê Đình Bá, Tham tán Công sứ-Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại WTO, đã khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam trong việc ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, với WTO là nòng cốt.

Ông nhấn mạnh sự sẵn sàng bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của WTO, đặc biệt là thương mại công bằng cho các thành viên đang phát triển trong giai đoạn hiện nay.

W-minhhoa.png
Ảnh minh hoạ

Với tinh thần đó, Việt Nam đang tích cực phối hợp với các thành viên WTO khác để thúc đẩy cải cách WTO, bao gồm việc khôi phục cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO và thích ứng với các yêu cầu thương mại bền vững, đồng thời đảm bảo duy trì khả năng cạnh tranh của các thành viên WTO đang phát triển, trong đó có Việt Nam, trong việc tiếp cận thị trường của các thành viên phát triển.

Tại cuộc gặp, AmCham EU đã chia sẻ thông tin về sự quan tâm cao của các tập đoàn đa quốc gia Mỹ đối với WTO và khẳng định tầm quan trọng của tổ chức này trong việc duy trì một môi trường kinh doanh ổn định và thông suốt, tạo niềm tin cho khu vực tư nhân trong việc mở rộng đầu tư và thương mại.

AmCham EU cũng ủng hộ việc WTO đóng vai trò mạnh mẽ hơn trong việc hạn chế các biện pháp đơn phương thiếu sự tham vấn và cân nhắc đầy đủ lợi ích của các bên liên quan trong thương mại quốc tế. Do đó, AmCham EU đã bày tỏ sự đồng thuận với chủ trương và ưu tiên của Việt Nam đối với hoạt động của WTO.

Thương mại hàng hóa thế giới đã tăng mạnh vào các năm 2021 và 2022 khi các hộ gia đình bị phong tỏa đẩy mạnh mua sắm trực tuyến. Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy năm 2023 mua sắm trực tuyến đã chứng kiến mức giảm 1,1%. Ngược lại, thương mại dịch vụ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ ổn định sau thời kỳ suy giảm nghiêm trọng bởi Covid-19.

WTO hiện dự kiến khối lượng thương mại hàng hóa sẽ tăng 2,7% trong năm nay, sau khi dự báo mức tăng 2,6% vào tháng 4. Khi lạm phát trên toàn cầu giảm bớt, sức mua của các hộ gia đình sẽ phục hồi, trong khi chi phí vay thấp hơn dự kiến sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư.

WTO tiếp tục dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,7% trong cả năm 2024. Tuy nhiên, tổ chức này lại tỏ ra bi quan hơn trong năm 2025, thể hiện qua việc giảm dự báo từ 3,3% xuống còn 3%. WTO cho biết sự phục hồi của thương mại thế giới có thể nhanh hơn dự kiến nếu việc cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương mang lại động lực lớn hơn cho hoạt động kinh tế.