Tinh thần quyết liệt của Chính phủ trong xây dựng cách mạng công nghiệp 4.0 đã khiến các nhà khoa học trẻ người Việt ở nước ngoài cảm thấy choáng ngợp và hứng khởi.

Trong chuỗi hoạt động của chương trình Kết nối mạng lưới Đổi mới sáng tạo do Bộ Kế hoạch và đầu tư khởi xướng, chiều 20/8, đoàn 100 nhà khoa học, tri thức trẻ tiêu biểu người Việt Nam ở nước ngoài đã có buổi tham quan và làm việc tại khu Công nghệ cao Láng Hoà Lạc.

Choáng ngợp vì quyết tâm làm CMCN 4.0

Anh Nguyễn Thành Vinh đến từ Đại học Tokyo (Nhật Bản) chia sẻ: “Tôi cảm thấy choáng ngợp bởi rất nhiều nhân tài đất Việt trên khắp thế giới ngày trước chỉ được nghe tin mà hôm nay được gặp mặt. Và tôi còn choáng ngợp bởi sự quyết tâm mạnh mẽ, quyết liệt của Chính phủ, của các tập đoàn trong nước về phát triển cách mạng công nghiệp 4.0"

"Bản thân tôi ở Nhật cũng không cảm nhận được sự quyết liệt của Chính phủ Nhật Bản đến thế”, anh nói.

Dẫn chứng về điều này, anh Vinh chia sẻ câu chuyện thú vị về sự phổ biến của Grab tại Việt Nam. "Những người lái xe Việt Nam cũng nói về CMCN 4.0. Trong khi đó ở Nhật Bản, người dân vẫn đang trung thành với dịch vụ taxi truyền thống", anh cho biết.

{keywords}
Ông Nguyễn Thành Vinh, chuyên gia về công nghệ IoT tại đại học Tokyo (Nhật Bản). Ảnh: Trọng Đạt

Khi so sánh giữa 2 quốc gia, anh Vinh cho rằng, người Nhật hơn người Việt ở khả năng làm việc nhóm, giữa các tập đoàn với nhau. Ở Việt Nam, các tập đoàn đều có định hướng riêng, nếu có thể kết hợp các tập đoàn này lại với nhau cùng các trường đại học và chuyên gia trong và ngoài nước, chúng ta có thể giải quyết được những vấn đề lớn.

Albert Antoine, một Việt kiều gốc Huế, từng làm việc tại Ngân hàng Thế giới và là nhà sáng lập ILOG, một công ty trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đã kể rằng, 25 năm trước, anh phải gõ cửa từng nơi, từng cơ quan để tìm kiếm cơ hội hợp tác và làm việc nhưng giờ thì mọi thứ ở Việt Nam đã ngược lại.

"Những tập đoàn lớn của Việt Nam, như Viettel đã có một phái đoàn sang Singapore tổ chức hội thảo để thu hút người có kinh nghiệm trong lĩnh vực họ cần. Những cách thức chủ động đó chính là nền tảng để những nhà nghiên cứu ở nước ngoài có thể quay trở về cống hiến cho Việt Nam”, Albert nói.

Niềm tin của Albert về sự hợp tác trong CMCN 4.0 ở Việt Nam cũng mạnh mẽ hơn khi chứng kiến FPT hiện nay, đã là một tập đoàn lớn không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới.

"25 năm trước, FPT mới có 9 người và trụ sở đặt trong một trường tiểu học", Albert nói.

{keywords}
 Ông Albert Antoine, nhà khoa học gốc Huế, chuyên gia tư vấn về công nghệ của Chính phủ Singapore. Ảnh: Trọng Đạt

Cần quyết sách mạnh hơn cho các start- up công nghệ

Tuy niềm hứng khởi là vậy, nhưng ở Việt Nam, vẫn còn nhiều thách thức!

Nguyễn Kỳ Tài, một nhà khoa học đang làm việc tại một trường đại học của Australia kể rằng, anh muốn đặt hàng công nghệ kết nối và truyền tải Internet trên cánh đồng để ứng dụng cho nền nồng nghiệp tại Úc- nơi mà kỹ thuật còn rất sơ khai.

"Trí tuệ nhân tạo (AI) áp dụng trong nông nghiệp chỉ mới bắt đầu ở nước Úc. Chúng ta bắt đầu thì sẽ làm kịp", anh cho hay.

Trong khi đó, với Đỗ Xuân Huy, sáng lập viên của Kipalog- nền tảng chia sẻ kiến thức cho kỹ sư CNTT, hai ước mơ lớn nhất là Việt Nam có càng nhiều sản phẩm tầm thế giới càng tốt và kỹ sư Việt Nam được tôn trọng và được trả lương cao trong các tập đoàn lớn trên thế giới

Lý giải về 2 ước mơ này, Huy cho cho biết, điểm yếu ở Việt Nam chính là nhân lực kỹ sư.

"Việt Nam thiếu kỹ sư ở tầm trung và tầm cao. Các kỹ sư ở Việt Nam đang thiếu những kiến thức nền tảng. Để xây dựng được những sản phẩm như Google, không chỉ có thuật toán mà phải có rất nhiều các kỹ sư để xây dựng nên platform chạy thuật toán đó", anh Huy nhìn nhận.

Để cải thiện điều này, anh Huy đề nghị các kỹ sư Việt Nam cần được tham dự các hội thảo nước ngoài càng nhiều càng tốt, để có thể học thêm từ người giỏi khác.

{keywords}
Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn FPT chia sẻ và mời gọi các chuyên gia, nhà khoa học ở nước ngoài quay về đóng góp cho sự phát triển khoa học công nghệ Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt

Đại diện cho các Tập đoàn công nghệ của Việt Nam đồng chủ trì buổi gặp mặt, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT, nhận định: "Cuộc CMCN 4.0 vượt trội hơn bất cứ một cuộc cách mạng nào trước đó bởi nó đã chạm tới sức mạnh quan trọng nhất của loài người, đấy là trí tuệ nhân tạo. Nếu không khai thác được cơ hội này, không biết tương lai của Việt Nam sẽ đứng ở đâu?"

Từ kinh nghiệm của mình, ông Trương Gia Bình cho rằng Việt Nam cần sự vượt trội về pháp lý số. Một quốc gia càng mở bao nhiêu về dữ liệu thì quốc gia đó có tiềm lực phát triển nhanh hơn về kinh tế số.

Với tầm nhìn đó, ông Bình dự kiến sẽ đưa FPT trở thành doanh nghiệp tiên phong trong việc chuyển đổi số, không chỉ ở Việt Nam mà phải có sức ảnh hưởng mang tầm cỡ toàn cầu.

Theo ông, Việt Nam cần những quyết sách mạnh hơn các quốc gia khác, phải tạo môi trường để các doanh nghiệp start-up dù ở nước ngoài nhưng vẫn có thể liên kết với Việt Nam. Bản thân FPT cũng có kế hoạch xây dựng các nhà máy thông minh ở khu vực Đông Nam Á, Châu Âu và Mỹ.

{keywords}
Ông Trương Gia Bình (trái) và Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy chia sẻ với các nhà khoa học về việc phát triển ngành công nghệ Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt 

Với vấn đề nguồn nhân lực, ông Bình tiết lộ sẽ tìm kiếm nhân tài từ chính các trường chuyên toán của Việt Nam, là những bạn trẻ đam mê về toán học, công nghệ mới để đào tạo theo cách hoàn toàn khác, chưa từng có ở Việt Nam.

"Điều này là để Việt Nam có những lực lượng tinh hoa về AI", ông Trương Gia Bình nói.

Người đứng đầu Tập đoàn FPT đề nghị các nhà khoa học trẻ có thể song hành cùng FPT, tìm kiếm lời giải cho các bài toán lớn hiện nay của nền kinh tế, cùng nhau xây dựng khát vọng Việt.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cũng kêu gọi các nhà khoa học trẻ người Việt ở nước ngoài trở về chung tay góp sức cho công cuộc CMCN 4.0.

Ngay sau buổi làm việc, đoàn các nhà khoa học trẻ tiếp tục có buổi gặp gỡ Tập đoàn Vingroup tìm hiểu về tầm nhìn phát triển công nghệ hiện đại tại Việt Nam.

Trọng Đạt

Buổi gặp mặt nằm trong khuôn khổ Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018 (Vietnam Innovation Network 2018) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư khởi xướng và chủ trì từ ngày 18-24/8 tại Hà Nội, Quảng Ninh, TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Mục đích của Chương trình nhằm quy tụ và huy động tối đa nguồn lực chất xám từ các chuyên gia người Việt được đào tạo bài bản, đã và đang làm việc tại các quốc gia có nền tảng khoa học công nghệ phát triển, từ đó, khơi nguồn cảm hứng, tạo sự liên kết giữa những tinh hoa khoa học công nghệ trong và ngoài nước, lan tỏa thành những động lực đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, tạo ra sự đổi thay về diện mạo và trình độ phát triển công nghệ của Việt Nam. Đây là nền tảng cho chiến lược quốc gia cách mạng công nghiệp 4.0.

100 người Việt trẻ tham dự sự kiện lần này vốn là những cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu và lao động, được ghi nhận bởi các tổ chức trong và ngoài nước. Họ đều là những gương mặt nổi tiếng của ngành CNTT, công nghệ sinh học, công nghệ nền tảng, các ngành công nghiệp chế tạo ứng dụng tự động hoá, robotics…

Nhiều người đã có kinh nghiệm ứng dụng các công nghệ mang tính nền tảng như trí tuệ nhân tạo, blockchain, dữ liệu lớn, an ninh mạng, Internet of Things...
100 nhân tài hiến kế CMCN 4.0: Cuộc chơi lớn, làm sâu và có tầm

100 nhân tài hiến kế CMCN 4.0: Cuộc chơi lớn, làm sâu và có tầm

Cái gì Việt Nam chưa có thì mỗi người một chân một tay, cùng về đây làm. CMCN 4.0 sẽ là cuộc chơi lớn, phải làm thật sâu và có tầm ảnh hưởng.

Muốn CMCN 4.0 phát triển, phải có "giấy khai sinh" cho công nghệ 4.0

Muốn CMCN 4.0 phát triển, phải có "giấy khai sinh" cho công nghệ 4.0

“Muốn cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển thì đầu tiên phải có khung pháp lý, phải có giấy khai sinh cho các công nghệ 4.0, các mô hình kinh doanh 4.0."

Hạ tầng số: Nền tảng cho CMCN 4.0 ở Việt Nam

Hạ tầng số: Nền tảng cho CMCN 4.0 ở Việt Nam

Hạ tầng số được xem như nền tảng cơ bản cho cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Đây là nền móng, vật liệu để xây dựng nên Chính phủ điện tử và nền Kinh tế số.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "CMCN 4.0 là cơ hội lịch sử của Việt Nam"

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "CMCN 4.0 là cơ hội lịch sử của Việt Nam"

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, để không bỏ lỡ cơ hội này, Chính phủ phải đổi mới, chuyển đổi thành Chính phủ của thời đại 4.0, có đủ khả năng, đủ năng lực quản trị phát triển quốc gia trong thời đại số.