Trước đó, vào ngày 3/3, Công an phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, tiếp nhận đơn trình báo của ông N.V. T. (SN 1946, ở quận Cầu Giấy) về việc bị một đối tượng gọi điện thoại, tự xưng là nhân viên Viettel thông báo nợ cước điện thoại.

Tỉnh táo trước những thông tin bất ngờ là điều cần thiết để tránh bị lừa đảo. Ảnh minh họa.

Để thực hiện hành vi lừa đảo, đối tượng kết nối cho ông T. gặp người đàn ông được giới thiệu là công an và gửi nạn nhân xem ảnh bản thân có lệnh bắt khẩn cấp, phong tỏa tài sản để điều tra. Đối tượng yêu cầu bị hại gửi thông tin liên quan đến tài khoản ngân hàng cùng mã OTP.

Do quá lo sợ nên ông T. đã làm theo hướng dẫn của nhóm đối tượng mà không chút nghi ngờ. Sau đó, tài khoản ngân hàng của nạn nhân bỗng nhiên mất 800 triệu đồng. Biết bị lừa, ông T. đã đến cơ quan công an trình báo.

Thủ đoạn giả danh nhân viên của các nhà mạng, gọi điện thoại tới khách hàng thông báo nợ cước nhằm chiếm đoạt tài sản không còn mới. Tuy nhiên, do thiếu thông tin, lại bị tội phạm đánh trúng tâm lý nên nhiều người vẫn “sập bẫy” lừa của các đường dây lừa đảo công nghệ cao.

Công an thành phố Hà Nội, đề nghị người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về các thủ đoạn trên, tránh mắc “bẫy” của đối tượng xấu.

Với các vấn đề liên quan đến thanh toán cước điện thoại hoặc nếu có vấn đề phát sinh trong quá trình sử dụng dịch vụ, người dân cần liên hệ đường dây nóng của nhà mạng hoặc tới các phòng giao dịch để được tư vấn giải quyết kịp thời.

Đối với cơ quan công an, để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương, tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng.

Chính vì vậy, người dân khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để kịp thời ngăn chặn.