Dồn toàn lực khắc phục, đưa mọi hoạt động kinh tế - xã hội trở lại bình thường
Bão số 3 đã gây thiệt hại nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Theo thống kê sơ bộ, thiệt hại do bão số 3 gây ra trên địa bàn tỉnh ước tính gần 25.000 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa tổng thiệt hại của cả nước.
Đây là thiệt hại hết sức nặng nề, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp, du lịch, dịch vụ. Tuy nhiên, với tinh thần tự lực, tự cường, ngay sau cơn bão, tỉnh Quảng Ninh đã dồn toàn lực khắc phục hậu quả, cùng nhân dân, doanh nghiệp và các đơn vị, tổ chức bắt tay ngay vào tái thiết nhằm ổn định cuộc sống, duy trì sản xuất, kiên định với mục tiêu tăng trưởng đề ra từ đầu năm.
Nhằm khôi phục lại hình ảnh của thành phố di sản, thành phố du lịch, đưa cuộc sống của nhân dân, hoạt động của doanh nghiệp sớm trở lại bình thường, với tinh thần vượt khó, ngay sau bão, TP Hạ Long đã triển khai Chiến dịch cao điểm 7 ngày đêm khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra. Đến nay, TP Hạ Long đã thực hiện thắng lợi một cách thần tốc, nhanh chóng đưa mọi hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn dần trở lại bình thường.
Chỉ khoảng gần 2 tuần sau cơn bão số 3, ngành du lịch Quảng Ninh đã từng bước khôi phục nhanh nhất các hoạt động, đảm bảo chất lượng đón tiếp, phục vụ du khách. Tại Vịnh Hạ Long, với tinh thần “sữa chữa xong đến đâu, phục hồi hoạt động lại ngay đến đó”, nên chỉ sau 2 ngày tạm dừng đón khách để tập trung rà soát đảm bảo các điều kiện an toàn, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã tiếp tục mở cửa đón khách du lịch trở lại. Và đã có trên 300 tàu du lịch đảm bảo điều kiện sẵn sàng hoạt động đón khách ngay.
Hai tuần sau bão, Vịnh Hạ Long đón gần 40.000 lượt du khách, trong đó gần 90% là khách nước ngoài. Đến nay, hoạt động kinh doanh trên vịnh đã bình thường trở lại. Theo thống kê, trung bình mỗi ngày Vịnh Hạ Long đón khoảng 5.000-6.000 lượt khách, chủ yếu là khách quốc tế.
Sau bão số 3, các khu du lịch, tuyến điểm trên địa bàn tỉnh đang khẩn trương khắc phục những thiệt hại, quyết tâm sớm đón du khách trở lại, phục hồi hoạt động du lịch. Mặc dù chịu tổn thất nặng nề do bão, nhưng Quảng Ninh vẫn quyết tâm, kiên định hoàn thành mục tiêu đón 19 triệu lượt khách du lịch trong năm 2024, trong đó có 3,5 triệu lượt khách quốc tế.
Tại các địa phương, ngay sau cơn bão, được sự trợ giúp của chính quyền địa phương như khôi phục đường điện, giao thông, cấp nước sớm…. đảm bảo cơ sở vật chất giúp các doanh nghiệp trong tỉnh quay trở lại hoạt động. Về phía các doanh nghiệp cũng chủ động sắp xếp nhân lực ngày đêm không ngừng, thay phiên nhau tham gia khắc phục hậu quả. Vì thế, dù cơn bão có làm ảnh hưởng một phần tiến độ xuất hàng, nhưng các doanh nghiệp đã tổ chức tăng ca, cố gắng hoàn thành đúng tiến độ.
Tại khu công nghiệp Đông Mai (thị xã Quảng Yên), nhiều doanh nghiệp như Công ty TNHH Kỹ thuật Điện tử Tonly Việt Nam, Chi nhánh Công ty TNHH Yazaki Hải Phòng Việt Nam tại Quảng Ninh,… chỉ một vài ngày sau bão, với sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương và sự chủ động của các doanh nghiệp nên 100% công nhân quay trở lại làm việc bình thường, đảm bảo hiệu quả cao nhất.
Tại những khu vực bị thiệt hại nặng, chính quyền thị xã phối hợp cùng doanh nghiệp nỗ lực khôi phục nhà xưởng, máy móc, thiết bị để tiếp tục sản xuất. Với quyết tâm sớm ổn định sản xuất sau bão, các doanh nghiệp trong KCN Đông Mai phấn đấu đảm bảo hàng hóa sản xuất kịp thời, giao hàng đúng hẹn cho đối tác, giúp duy trì tăng trưởng xuất khẩu trong những tháng còn lại của năm 2024.
Ngành than là một trong những ngành chịu nhiều thiệt hại từ cơn bão số 3. Như Công ty Than Uông Bí rơi vào tình trạng “3 không”: Không điện, không nước và không thông tin. Tuy nhiên, Công ty Than Uông Bí đã khẩn trương bắt tay khắc phục hậu quả. Giám đốc Công ty Than Uông Bí Nguyễn Văn Hưng, cho biết, từ ngày 12/9 đến nay, tình hình sản xuất của công ty đã cơ bản ổn định trở lại, số công nhân quay lại đơn vị làm việc tăng cao, đáp ứng phục vụ sản xuất các dây chuyền. Đặc biệt Công ty đang rà soát, hỗ trợ các gia đình công nhân bị ảnh hưởng bão số 3 giúp họ sớm ổn định lại cuộc sống, yên tâm làm việc.
Quyết tâm giữ đà tăng trưởng bền vững 2 con số
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy, cho biết, sau cơn bão số 3, toàn tỉnh đã huy động hơn toàn bộ nhân lực, vật lực tập trung công tác tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ, nhất là trên biển; hỗ trợ người dân dọn dẹp sau bão; tổng vệ sinh môi trường. Đồng thời, phối hợp tích cực với ngành điện, viễn thông khắc phục hệ thống điện và viễn thông bị tê liệt trên địa bàn.
Đến nay, các hoạt động sản xuất kinh doanh đã được khôi phục trở lại. Toàn bộ ngành than, các khu công nghiệp, khu kinh tế đã trở lại hoạt động bình thường. Cửa khẩu quốc tế Móng Cái đã thông quan trở lại từ ngày 9/9/2024; các cơ sở lưu trú, du lịch đã hoạt động trở lại và mở cửa đón khách. Trong 2 ngày 12 và 13/9, tỉnh đã đón gần 10.000 khách du lịch, trong đó có khoảng 7.000 khách du lịch quốc tế. Các trường học, cơ sở giáo dục trong tỉnh đã cơ bản ổn định tổ chức dạy học; 100% cơ sở y tế đã khám, chữa bệnh cho người dân trước, trong và sau bão.
Để giúp các doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất sau bão, tại Hội nghị triển khai các giải pháp tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy đã đề nghị các ngân hàng sớm triển khai các gói hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại sau bão.
Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 21 (kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh khóa XIV đã kịp thời quyết nghị một số chính sách khẩn cấp, cấp bách theo trình tự, thủ tục rút gọn để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai.
Các nguồn lực, chính sách cấp bách đã được quyết nghị tại kỳ họp, là "trợ lực" quan trọng để người dân, doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, vực dậy ổn định cuộc sống, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong đó, HĐND tỉnh đã thống nhất bố trí 1.000 tỷ đồng chi cho tỉnh Quảng Ninh để khắc phục hậu quả bão số 3 và thực hiện các chính sách an sinh xã hội, cùng các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm động viên, chia sẻ những mất mát của người dân, doanh nghiệp do cơn bão số 3 gây ra và hỗ trợ một phần để người dân, doanh nghiệp sớm ổn định cuộc sống, như: Hỗ trợ về nhà ở, nâng mức bảo trợ xã hội, miễn học phí cho học sinh, công tác hỗ trợ trục vớt tàu, thuyền bị chìm do bão số 3...
Với quyết tâm, ý chí tự lực, tự cường, cùng với sự hỗ trợ kịp thời từ các cấp, các ngành, nhất là những chính sách kịp thời, cấp bách của chính quyền địa phương, đã giúp người dân, các doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở sản xuất đang không ngừng vượt lên mọi khó khăn, duy trì nhịp độ sản xuất, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu. Qua đó, không chỉ đảm bảo việc làm cho người lao động, đóng góp tích cực cho ngân sách địa phương, mà còn là động lực quan trọng để Quảng Ninh có thể cán đích 1 thập kỷ tăng trưởng 2 con số.