Trong buổi tọa đàm “Văn hoá, kinh tế xã hội và nhân văn đồng bằng sông Cửu Long: Đặc trưng, đổi mới và phát triển” diễn ra ngày 29/9 tại TP Cần Thơ, ông Sugano Yuichi, Trưởng đại diện JICA (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản) tại Việt Nam cho biết, JICA và Trường ĐH Cần Thơ là đối tác đáng tin cậy trong nhiều năm.

Qua đó, cơ quan này đã hỗ trợ nhiều trang thiết bị để Trường ĐH Cần Thơ phát huy khả năng, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối với chính quyền địa phương các tỉnh của vùng ĐBSCL, cộng đồng doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu quốc tế.

Ông Sugano Yuichi lắng nghe chia sẻ về mô hình nuôi đồng thương phẩm tại Trung tâm nghiên cứu ứng dụng thuỷ sản công nghệ cao (Trường ĐH Cần Thơ).

“Nhìn lại những ngày đầu thành lập Trường ĐH Cần Thơ, dự án hợp tác kỹ thuật đầu tiên của chúng tôi là phát triển Khoa Nông nghiệp thông qua nghiên cứu và đào tạo chung vào năm 1969. 

Sau đó, vào năm 1993, một khoản viện trợ không hoàn lại đã được phê duyệt nhằm nâng cấp Trường Cao đẳng Nông nghiệp của Trường ĐH Cần Thơ. Tiếp đến là dự án hợp tác kỹ thuật thứ hai nhằm tăng cường giáo dục và nghiên cứu về khoa học môi trường với sự cộng tác của Đại học Nông nghiệp và Công nghệ Tokyo vào năm 1999-2002”, ông Sugano Yuichi thông tin.

Theo Trưởng đại diện JICA, mối quan hệ hợp tác hiện nay là sự kết hợp toàn diện giữa hợp tác tài chính nhằm hỗ trợ xây dựng tổ hợp phòng thí nghiệm công nghệ cao và tiên tiến, phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu chung; hợp tác kỹ thuật hướng tới phát triển Trường ĐH Cần Thơ thành một cơ sở giáo dục, nghiên cứu khoa học và chuyển giao kiến thức xuất sắc.

Ông Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ thông tin, JICA đã và đang hỗ trợ 2 dự án lớn cho trường bao gồm dự án nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ và dự án hỗ trợ kỹ thuật.

Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ Hà Thanh Toàn.

Theo đó, dự án nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ được thực hiện với mục tiêu nâng cấp trường này thành trường đại học xuất sắc, được quốc tế công nhận trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, môi trường và các lĩnh vực liên quan, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, gia tăng giá trị nông nghiệp và thủy sản ở vùng ĐBSCL.

Dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản với tổng vốn trên 100 triệu USD (triển khai thực hiện từ tháng 7/2015 đến tháng 12/2022) với 4 hợp phần chính: phát triển nguồn nhân lực, chương trình nghiên cứu, phát triển cơ sở vật chất và thiết bị nghiên cứu.

Đánh giá về hiệu quả của dự án, ông Toàn cho hay, trường đã có 36 viên chức được đào tạo tiến sĩ, 9 viên chức được đào tạo thạc sĩ, 53 viên chức tham gia tập huấn ngắn hạn tại Nhật và 36 chương trình nghiên cứu, nguồn nhân lực. Đặc biệt là hiệu quả về nghiên cứu và giảng dạy của nhà trường tăng đáng kể.

Toà nhà công nghệ cao có tổng cộng 7 tầng, tổng diện tích sàn hơn 18.000m2.

Đối với hợp phần phát triển cơ sở vật chất, đã có 4 hạng mục công trình được xây dựng bao gồm: Khu phức hợp phòng thí nghiệm nghiên cứu với sức chứa 1.000 người; Phòng thí nghiệm công nghệ cao với sức chứa 750 người; Trại giống thuỷ sản; Nhà lưới.

Học viên được tiếp xúc với các trang thiết bị hiện đại và đồng bộ, tạo điều kiện thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu.

Với mục tiêu hỗ trợ thực hiện dự án nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ, dự án hỗ trợ kỹ thuật đã và đang triển khai đạt được nhiều hiệu quả thiết thực.

Theo Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật giai đoạn 2 đang triển khai với mục tiêu tăng cường liên kết, chia sẻ cơ hội và thách thức giữa các chủ thể có liên quan (nhà nước, nhà khoa học, cộng đồng, ngành công nghiệp và thương mại) tập trung vào 3 lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản và môi trường sẽ tăng khả năng phục hồi và thích ứng với biến đổi khí hậu cho sự phát triển bền vững của vùng ĐBSCL.

Lương Bằng và nhóm PV, BTV