Bài viết với tiêu đề “VinFast muốn chạy đua cùng Tesla” của Christoph Hein được đăng tải trên tờ Frankfurt Allgemeine. 

Christoph Hein mở đầu bài báo với câu chuyện về Bảo Linh, 22 tuổi, đang là sinh viên y khoa tại Trường Đại học VinUni. Ngôi trường đa dạng ngành học này đang đào tạo những sinh viên như Linh trở thành thế hệ kỹ sư, bác sĩ, chuyên gia, nhà quản lý ưu tú được kỳ vọng sẽ góp phần xây dựng một Việt Nam đổi mới. 

Với mức học phí 36.000 USD một năm, VinUni có các giáo sư từ các đại học hàng đầu thế giới như Cornell và Philadelphia trực tiếp giảng dạy. Trong khuôn viên rộng lớn của VinUni, Bảo Linh cho biết: “Các sinh viên y khoa được học phẫu thuật trong một trung tâm giả lập môi trường bệnh viện hiện đại. Vì thế, sinh viên được phép mắc sai sót, các hoạt động sẽ được ghi hình để sinh viên rút kinh nghiệm”. Sắp tới, Linh sẽ được sang Hàn Quốc học một năm.

Những sinh viên như Bảo Linh được hưởng lợi từ khát vọng của nhà sáng lập Vingroup - Chủ tịch Tập đoàn Phạm Nhật Vượng. Đến nay, Tập đoàn Vingroup đã tài trợ học bổng cho 500 sinh viên xuất sắc cả trong và ngoài nước. Ông Phạm Nhật Vượng đã rất thành công khi kinh doanh mỳ ăn liền tại Ukraine vào thập niên 1980. Sau khi bán lại hệ thống sản xuất mỳ cho Nestle với giá trị ước tính 150 triệu USD, ông trở về Việt Nam trong thời kỳ mà người dân cần những dịch vụ thiết yếu như nhà ở, trường học, bệnh viện, resort. 

Ông sáng lập Vingroup và bắt đầu xây dựng những khách sạn hạng sang, công viên giải trí và các khu chung cư. Vingroup hiện có khoảng 41.500 nhân viên, hoạt động trong 3 lĩnh vực chính: Công nghệ - Công nghiệp (VinFast và các công ty công nghệ), Thương mại - Dịch vụ (Vinhomes, Vinpearl, Vincom), và Thiện nguyện xã hội (VinUni, Vinschool, Vinmec, VinBus). Hiện tại, ông Vượng đang kết nối các lĩnh vực này lại bằng các giải pháp phân tích dữ liệu từ VinBrain, VinBigData, VinAI.

Vingroup hiện diện trong cuộc sống hàng ngày của rất nhiều người dân Việt Nam. Ước tính, chỉ riêng các hoạt động xây dựng của Tập đoàn đang có mức đầu tư khoảng 3,7 tỷ USD. Ông Vượng - người đầu tiên trở thành tỷ phú trong số 7 người giàu nhất Việt Nam - sở hữu khối tài sản gần 10 tỷ USD. Tập đoàn Vingroup hiện chiếm khoảng 1,5% GDP của Việt Nam. 

Vị doanh nhân 54 tuổi khá kín tiếng này đã có nhiều thành công. Mặc dù không phải lúc nào mọi thứ cũng suôn sẻ, nhưng dòng tiền vẫn sẵn sàng “đổ vào” Vingroup bất cứ lúc nào, ít nhất là khi Việt Nam giữ được đà tăng trưởng 7% và thị trường lao động đảm bảo có sự tăng trưởng về mức lương. Trong quý I/2022, đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản Việt Nam đạt 2,8 tỷ USD. 

Mũi nhọn của Vingroup trong hành trình vươn ra toàn cầu là VinFast. Được thành lập năm 2017, hãng xe này đã trải qua một sự lột xác: chỉ sau 5 năm, VinFast đã quyết định dừng xe xăng để chuyển hoàn toàn sang sản xuất xe điện. Để tri ân khách hàng, VinFast đã nâng thời gian bảo hành xe xăng từ 3 lên 10 năm. Ô tô điện hiện là sản phẩm cốt lõi của VinFast, cùng với xe máy điện và xe buýt điện - những sản phẩm cũng có thể được bán ra ở thị trường quốc tế. Dường như VinFast không hề e ngại gã khổng lồ Tesla, mà rất quyết tâm tiến vào thị trường Mỹ.

VinFast tạo ra những chiếc ô tô đầu tiên của mình trên nền tảng của BMW và vẫn đang sử dụng công nghệ của Bosch trong các sản phẩm - điều này có thể thấy trên cả những chiếc xe máy điện VinFast. 

Đồng thời, Tổ hợp sản xuất của VinFast ở Hải Phòng cũng có sự góp mặt của rất nhiều đối tác từ Đức. Trong khu tổ hợp rộng 335 ha chủ yếu dùng hệ thống dây chuyền tự động thay cho công nhân này có đủ các loại máy móc, thiết bị của các hãng như FFT-Produktionssysteme, EBZ Group, dây chuyền sơn từ Dürr hay 1.250 robot hàn từ ABB... 

Giám đốc phụ trách sản xuất Shaun Calvert của VinFast cho biết: "Năm năm trước, nơi đây không có gì ngoài một đầm lầy". Giờ đây, Hải Phòng không chỉ là nơi đặt cơ sở sản xuất của VinFast với công nghệ quản lý 4.0 từ Siemens, mà Lego cũng đang có ý định xây dựng nhà máy 1 tỷ USD tại đây. Theo Shaun Calvert - cựu chuyên gia từ General Motors, "98% công đoạn lắp ráp tại VinFast được tự động hóa. Chúng tôi có thể linh hoạt sử dụng dây chuyền lắp ráp cho nhiều mẫu xe khác nhau".

Có rất nhiều chuyên gia nước ngoài từ khắp nơi trên thế giới đang làm việc tại VinFast. Phó Tổng Giám đốc phụ trách Hậu mãi Xavier Kaufman, người Pháp, từng có 16 năm làm việc tại Renault. Giờ đây, ông là người chịu trách nhiệm đảm bảo dịch vụ chăm sóc tốt nhất cho tất cả các khách hàng mua xe VinFast trên toàn cầu. Trong tuần này, bà Lê Thị Thu Thủy, Tổng Giám đốc toàn cầu của VinFast có cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Pháp đang có kế hoạch mời VinFast mở nhà máy sản xuất tại nước này. Đồng thời, VinFast cũng đang xem xét hai lựa chọn khác tại Đức.

VinFast hiện đang mua pin từ Samsung, Gotion và CATL - hãng pin đang hợp tác cùng Volkswagen. Dù vậy, VinFast vẫn có kế hoạch tự sản xuất pin trong tương lai, bao gồm cả tại nhà máy Mỹ. Khách hàng mua xe VinFast sẽ thuê pin với chi phí 120 euro/tháng. 

Theo ông Kaufman, “Việc cho thuê pin sẽ giúp khách hàng không phải lo lắng về các vấn đề kỹ thuật”. Pin có khả năng sạc/xả dưới 70% sẽ được thay thế và tái sử dụng cho mục đích khác. Với các lỗi kỹ thuật đơn giản, VinFast sẽ cung cấp dịch vụ sửa chữa tại nhà và khách hàng có thể đặt lịch qua ứng dụng di động của VinFast. Vì vậy, VinFast dự kiến sẽ chỉ mở 50 Store tại ba thị trường châu Âu đầu tiên là Đức, Pháp và Hà Lan. Cụ thể là tại các thành phố Frankfurt, Berlin, Cologne, Oberhausen và Hamburg. Đồng thời, ngân hàng Pháp Credit Agricole cũng đang có ý định cung cấp dịch vụ tài chính cho khách hàng mua xe VinFast.

Tại VinFast, người ta có thể nhận thấy sự sáng tạo và tinh thần quyết tâm ở mọi nhân viên, chứ không chỉ ở các nhân viên người Việt Nam. Senay Gulercin, một kỹ sư người Thổ Nhĩ Kỳ đang làm việc cho VinFast và từng có 15 năm kinh nghiệm tại Renault, cho biết: “Chúng tôi luôn tập trung tìm giải pháp để giải quyết mọi vấn đề”. Còn Hemachander Rajan, chuyên gia điều khiển học người Ấn Độ từng làm việc cho Tata, Mahindra và chuyển đến làm việc cho VinFast tại Hà Nội 6 tháng trước, cho biết: “Về mặt kỹ thuật, chúng tôi đang đi trước Tesla và Volkswagen”. Với tinh thần làm việc đó, VinFast đặt mục tiêu đưa 1 triệu xe điện ra thị trường toàn cầu vào năm 2027.

Nếu có dịp, bạn nên một lần đến Ocean Park - siêu đô thị của Vinhomes, hay còn được mệnh danh là “trung tâm Hà Nội mới”. Khu đô thị này trải rộng trên diện tích 420 ha cạnh sông Hồng và đến nay đã có 45.000 căn hộ cùng trung tâm mua sắm Vincom Megamall rộng lớn. Ocean Park còn có cả một hồ nước nhân tạo rộng 25 ha cùng một hồ nước mặn với bãi cát trắng mịn rộng 6 ha. Đây là nơi giúp nâng tầm chuẩn sống của tầng lớp trung lưu Việt Nam.

Vé vào cửa hồ nước mặn tại Ocean Park là khoảng 9 USD/ngày. Với một gia đình năm người sống tại một trong những căn cao cấp của Vinhomes Ocean Park, họ sẽ mất 45 USD cho một ngày tắm biển giữa lòng Hà Nội. 

Cô sinh viên trẻ Bảo Linh hiện sống tại Ocean Park cùng với 3 người bạn và được hỗ trợ tiền thuê nhà từ Vingroup dành cho sinh viên ưu tú. Đổi lại, khi ra trường Bảo Linh sẽ làm việc một vài năm cho Bệnh viện Vinmec - đó quả là một “giao kèo” không tệ cho Vingroup và những người Việt trẻ như Bảo Linh.

Frankfurter Allgemeine là nhật báo hàng đầu của Đức, xuất bản lần đầu từ năm 1949. Báo có lượng người đọc lên đến hàng triệu người và là tờ báo Đức có được phát hành rộng rãi nhất tại nước ngoài với 148 quốc gia.

Christoph Hein là tiến sĩ về Triết học và Xã hội học, ông cũng từng nhận được nhiều học bổng danh giá sau Đại học. Trong sự nghiệp báo chí, ông từng làm việc cho nhật báo kinh doanh hàng đầu nước Đức - Die Welt. 

Từ năm 1998, ông chuyển sang làm phóng viên kinh doanh tại cho Frankfurter Allgemeine.  Hein tập trung mảng kinh doanh châu Á. Ông cũng là tác giả của một số cuốn sách được đánh giá cao, điển hình là "Daimler-Chrysler-Deal" (cùng với Holger Appel) được nhiều trường Đại học trích dẫn.

Theo Christoph Hein (Frankfurter Allgemeine)