Trả lời báo chí ở Lầu Năm Góc ngày 19/4 sau khi hội đàm với người đồng cấp Mỹ Patrick Shanahan, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya khẳng định Tokyo đã đề nghị phối hợp với Washington trong quá trình điều tra nguyên nhân vụ rơi F-35 ở Thái Bình Dương ngày 9/4.
F-35 là tiêm kích thế hệ mới của Mỹ có năng lực tàng hình cực cao. |
"Hiện tại, chúng tôi không có kế hoạch thay đổi phương án dự kiến mua máy bay F-35. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng không định dừng quá trình triển khai mẫu chiến đấu cơ mới này trong thời gian tới", ông Iwaya nói.
Vị Bộ trưởng Nhật Bản nhấn mạnh thêm, Mỹ sẽ cử tàu tới nơi máy bay F-35A gặp nạn để tìm kiếm xác máy bay sau khi phát hiện một vật được cho là phần đuôi trôi trên biển. Hai nước cũng không cho rằng quân đội Trung Quốc đã tìm thấy các mảnh vỡ của nó. Viên phi công hiện vẫn mất tích.
Trong khi đó, báo Mainichi Shimbun đưa tin, có tới 5 máy bay trong phi đội F-35 của Nhật đã thực hiện 7 lần hạ cánh khẩn cấp trước vụ tai nạn kể trên. Những lần hạ cánh khẩn cấp xảy ra trong các chuyến bay thử nghiệm từ tháng 6/2017 đến tháng 1/2019. Hai trong số đó liên quan đến chiếc F-35 gặp nạn. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nhật vẫn cho phép nó tiếp tục bay.
Phi đội F-35 này được cho là gặp vấn đề về các hệ thống thủy lực và nhiên liệu. Những máy bay được "chẩn bệnh" đã được kiểm tra và trang bị lại các bộ phận.
Clip tiêm kích F-35:
F-35 là tiêm kích thế hệ mới của Mỹ có năng lực tàng hình cực cao. Nhà thầu quốc phòng Lockheed Martin ca ngợi sản phẩm này của hãng là "gần như không thể bị phát hiện", rằng nó cho phép Mỹ và các đồng minh thống trị bầu trời nhờ "khả năng vô địch và năng lực nhận thức tình huống chưa từng có tiền lệ".
Nhật Bản mới đưa vào sử dụng máy bay F-35A từ tháng 1/2018 trong chủ trương thay thế dàn máy bay F-4 đã cũ và tới nay có trong tay 13 chiến cơ tối tân này. Theo kế hoạch, Nhật sẽ sở hữu thêm 147 máy bay F-35, trong đó có 105 máy bay F-35A và 42 máy bay F-35B.
Thanh Hảo