Một dự án bất động sản (BĐS) xin cấp phép phải mất 2 năm, thậm chí 10 năm. Khi có được giấy phép, cơ hội kinh doanh coi như đã mất. Đây chỉ là một điển hình về thủ thủ tục hành chính phức tạp khiến DN tốn kém và mệt mỏi. Đã nhiều năm nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh với nhiều cải cách được đánh giá là đột phá nhưng thủ tục hành chính phức tạp vẫn là nỗi ám ảnh của doanh nghiệp (DN).
2 năm xin cấp phép đầu tư
Phản ánh mới đây đến Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tập đoàn Bảo Sơn (Hà Nội) cho biết, theo quy định hiện nay, DN muốn đầu tư vào một dự án BĐS thì thời gian để làm xong thủ tục nhanh nhất cũng mất 2 năm và có thể 10 năm hoặc lâu hơn nữa. Hai điểm khúc mắc nhất mà DN nêu ra là quy chế phê duyệt tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 và thủ tục cấp giấy phép xây dựng.
Tập đoàn Bảo Sơn cho biết, việc phê duyệt tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 phải qua nhiều cấp. Trên bản vẽ phải có phê duyệt của phường (xã), quận (huyện), sau đó có thẩm định của sở xây dựng và cuối cùng đến UBND TP hoặc tỉnh phê duyệt. Cấp nào cũng phê duyệt và yêu cầu chủ đầu tư cung cấp các cơ sở pháp lý, giải trình và cả 4 cấp đều yêu cầu như nhau. Nếu 1 trong 4 cấp đó chưa thông là công trình bị dừng lại. Thời gian phải kéo dài hàng năm, gây nhiều tốn kém cho DN.
Một dự án BĐS phải mất 2 năm thậm chí 10 năm làm thủ tục đầu tư. |
Đối với cấp giấy phép xây dựng cho công trình cấp 1 (các tòa nhà cao từ 20 tầng trở lên), việc thẩm định cấp cơ sở giao cho cơ quan thuộc Bộ Xây dựng. Thời gian thẩm định là 60 ngày với dự án quan trọng quốc gia và 30 ngày đối với dự án cấp 1. Sau khi Bộ Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở xong, nhà đầu tư nộp hồ sơ về sở xây dựng địa phương để xét duyệt cấp phép. Cả 2 lần nhà đầu tư phải nộp hồ sơ pháp lý, bản vẽ thiết kế cơ sở, bản vẽ thiết kế kỹ thuật, giấy xác nhận PCCC, hồ sơ cấp điện, nước, nước thải, tác động môi trường...
Hiện nay, cả nước có tới hàng chục ngàn tòa nhà thuộc dự án cấp 1, vậy làm sao cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng có thể thẩm định được trong 30 ngày?. Vì vậy, chỉ nói tới yếu tố khách quan thì Bộ Xây dựng không thể nào đáp ứng được thời hạn 30 ngày.
Sau khi có phê duyệt của Bộ Xây dựng, hồ sơ được nộp về Sở Xây dựng, lại một vòng kiểm tra thẩm định như vậy nữa, dẫn đến việc xin phép xây dựng mất từ 1 đến vài năm là chuyện bình thường.
Một cổ nhiều tròng
Một trong những cải cách đột phá của Luật DN mới có hiệu lực từ 01/7/2015 là bỏ đăng ký ngành nghề kinh doanh. Tuy nhiên, trên thực tế, khi đăng ký kinh doanh, DN vẫn phải liệt kê chi tiết những ngành nghề dự kiến và khi muốn kinh doanh thêm ngành nghề mới, lại phải đăng ký bổ sung. Thành ra, cải cách đột phá trên luật nhưng thực tế vẫn rất phiền hà và mất thời gian.
Đại diện Diễn đàn kinh doanh Việt Nam (VBF) cho biết, trên thực tế, thủ tục hành chính đối với các DN đầu tư nước ngoài đã bị tăng lên rất nhiều so với trước đây. Cụ thể, thủ tục đăng ký đầu tư, đăng ký DN theo quy định hiện nay phức tạp, nặng nề hơn trước.
Quá nhiều thủ tục chồng chéo, phức tạp. |
Trước đây, trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài chỉ có một giấy chứng nhận đầu tư. Tuy nhiên Luật Đầu tư mới đã tách ra thành 3 loại giấy phép gồm: quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư; giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký DN. Khi DN thực hiện một số thay đổi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, lại phải thực hiện sửa đổi 2 hoặc 3 loại giấy phép này.
Hiệp hội DN tỉnh Vĩnh Phúc cũngcho biết: Theo thủ tục cũ, ban quản lý các khu công nghiệp là cơ quan cấp giấy phép đầu tư (trong đó có cả phần đăng ký kinh doanh). Sau khi có Luật DN và Luật Đầu tư mới, thì phát sinh việc phải đăng ký kinh doanh qua sở kế hoạch và đầu tư; sau đó mới đến ban quản lý các khu công nghiệp cấp giấy phép đầu tư. Nếu đầu tư thêm hay mở rộng nhà máy đều phải làm như vậy. Qua nhiều cửa, mất thời gian cho DN. Rất nhiều DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Vĩnh Phúc đã phản ánh về vấn đề này.
Hiệp hội DN Nhỏ và vừa Hà Nội cho biết, nhiều DN phản ánh, hiện nay có quá nhiều văn bản các bộ, ngành, quy định về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Nhiều quy định chồng chéo nhau, 1 mặt hàng vừa phải chứng nhận hợp quy, vừa phải kiểm tra từng lô hàng mỗi khi nhập khẩu. Cùng một mặt hàng nhưng lần nhập khẩu nào cũng phải xin giấy phép, kiểm tra chất lượng. Dù thủ tục hải quan đã giảm bớt giấy tờ, tuy nhiên chưa đồng bộ với ngân hàng và thuế, nên có những giấy tờ hải quan không cấp, nhưng ngân hàng hoặc cơ quan thuế vẫn yêu cầu.
Cụ thể về nhập khẩu thép, Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội cho biết, đang có 2 thông tư có quy định chồng chéo nhau.
Thông tư liên tịch 58/2015/TTLT-BCT-BKHCN ngày 31/12/2015 về kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu quy định, mặt hàng thép nhập về phải lấy mẫu kiểm tra sự phù hợp, sau đó chờ kết quả mới thông quan hàng hóa, dẫn đến DN nhập hàng về phải chờ rất lâu mới, thiệt hại về tài chính, thời cơ kinh doanh.
Trong khi đó, Thông tư số 12/2015/TT-BCT về việc áp dụng chế độ cấp phép nhập khẩu tự động với 1 số sản phẩm thép yêu cầu DN có giấy phép nhập khẩu, hoặc xác nhận năng lực sản xuất của Sở công thương chủ quản, dẫn đến trùng lặp với Thông tư 58, yêu cầu các DN khi nhập khẩu thép về sản xuất cần xin xác nhận năng lực của Bộ Công thương mới được phép nhập khẩu. Về phía hải quan, chiều theo quy đinh thì hồ sơ phải chờ có đủ chứng nhận phù hợp mới trả kết quả thông quan.
Những thủ tục chồng chéo, phiền hà này gây ra mệt mỏi và tốn kém thời gian, tiền bạc mà như một giám đốc DN đã miêu tả là 'một cổ nhiều tròng'.
Trần Thủy