Theo thống kê mới đây, tính đến hết tháng 10/2023, cả nước có 95 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp, 20.309 hợp tác xã nông nghiệp, 34.555 tổ hợp tác. Trong đó, 1.931 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất, tương ứng 13% và 12% tổng số hợp tác xã nông nghiệp của cả nước. Đặc biệt, đã có trên 4.339 hợp tác xã nông nghiệp đảm nhận bao tiêu nông sản, bằng 24,5% tổng số hợp tác xã nông nghiệp, tăng mạnh so với tỷ lệ chỉ 5 - 7% năm 2015.

Tổng số có khoảng 3.801.000 thành viên tham gia hợp tác xã nông nghiệp với khoảng 1.582.000 lao động làm việc thường xuyên (trong đó, 365.000 lao động đồng thời là thành viên hợp tác xã).

Dự kiến hết năm 2023, cả nước có 20.357 hợp tác xã nông nghiệp. Năm 2023, doanh thu bình quân của 1 hợp tác xã nông nghiệp dự kiến đạt khoảng 2,5 tỷ đồng; lãi bình quân của mỗi hợp tác xã nông nghiệp đạt 400 triệu đồng; thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên tại hợp tác xã nông nghiệp đạt 52 triệu đồng/năm.

anh bai 2.jpg
Diễn đàn Phát triển mô hình kinh tế hợp tác xã thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững vừa được tổ chức tại Hà Nội sáng 24/11/2023 nhằm tìm kiếm thêm nhiều giải pháp hữu hiệu hỗ trợ hoạt động của các hợp tác xã. Ảnh: B.M

Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai nhiều giải pháp và cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp phát triển bền vững.

Đáng chú ý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, với mục tiêu “Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp theo định hướng phát triển bền vững; ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; ưu tiên phát triển hợp tác xã nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; mở rộng quy mô, thu hút nông dân, người sản xuất, kinh doanh nông nghiệp tham gia, đưa hợp tác xã nông nghiệp trở thành mô hình kinh tế - xã hội quan trọng ở khu vực nông thôn; góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng; tăng thu nhập cho người nông dân; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo điều kiện, động lực thu hút đầu tư, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới”. 

Hiện nay, các địa phương đang khẩn trương xây dựng và ban hành chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã tích cực triển khai các chính sách, đề án, dự án, kế hoạch ưu tiên đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp.

Chẳng hạn như triển khai Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn đã ban hành “Sổ tay hướng dẫn liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp”; xuất bản “Sổ tay hướng dẫn về tiêu chí và phương thức xây dựng hợp tác xã nông nghiệp hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012 và tham gia liên kết theo chuỗi giá trị nông, lâm thủy sản”. 

Đến nay, cả nước đã có 2.038 chuỗi liên kết được xây dựng theo quy định Nghị định số 98, với 1.250 hợp tác xã nông nghiệp tham gia.

Các chuỗi liên kết sản xuất – thu hoạch - chế biến - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp có sự tham gia của 286 tổ chức khoa học, 686.445 hộ nông dân, 4.228 hợp tác xã nông nghiệp và 2.167 doanh nghiệp. 

Đối với các chuỗi nông sản an toàn, có 1.644 chuỗi được chứng nhận với 2.346 sản phẩm (chủ yếu tập trung vào các loại như rau, củ, quả các loại; lúa gạo, cà phê, hồ tiêu, điều, chè, thịt gà, thịt bò, thịt lợn, tôm, cá tra, các loại cá biển, các loại trái cây, trứng, nước mắm…); 2.991 điểm bán các sản phẩm nông sản theo chuỗi giá trị, trong đó có 1.085 địa chỉ kinh doanh đã được cấp giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham gia xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã; tham mưu, đề xuất các nội dung cần sửa đổi tại các quyết định ban hành chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã...

Thời gian tới, để tiếp tục hỗ trợ các hợp tác xã phát triển bền vững, thiết nghĩ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp tục đào tạo, nâng cao năng lực cho các hợp tác xã về quản trị, kỹ thuật, công nghệ sản xuất bền vững, marketing và thị trường…

Các hợp tác xã rất cần có hệ thống cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, công nghệ cao, công nghệ thích ứng biến đổi khí hậu; chính sách hỗ trợ hạ tầng vùng sản xuất nông nghiệp bền vững (hệ thống tưới tiêu, giao thông nội đồng, khu tập kết chế biến, hệ thống logistics); các dịch vụ công về đào tạo lao động, xác nhận chứng nhận chất lượng sản phẩm, khuyến nông, trung tâm đổi mới sáng tạo cấp vùng…