Theo số liệu từ Bộ NN-PTNT, hàng năm Việt Nam sản xuất 50 triệu tấn lương thực; sản lượng thịt lợn, gà, bò khoảng 5,8 triệu tấn, 8 triệu tấn cá tôm, rau quả, trái cây cũng hàng chục triệu tấn,...

Năng lực sản xuất của ngành nông nghiệp được cho là đang đạt đỉnh, có thể đáp ứng đủ nhu cầu lương thực thực phẩm cho 100 triệu dân trong nước và còn dư thừa để phục vụ xuất khẩu, thu về trên 40 tỷ USD mỗi năm. Thế nhưng, phần lớn sản phẩm nông lâm sản xuất khẩu tươi hoặc sơ chế thô nên giá trị gia tăng ở mức thấp.

Đề cập tới vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường từng nhìn nhận, 10 năm trở lại đây, công nghiệp chế biến có tốc độ tăng trưởng 5-7%/năm và có một số ngành chế biến hiện đại, song nhìn chung năng lực chế biến chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng sản phẩm, dây chuyền công nghệ, công suất chế biến, đặc biệt là dịp mùa vụ, cao điểm thu hoạch. Khâu chế biến vẫn là khâu yếu trong chuỗi giá trị nông sản ở nước ta.

Song, thời gian qua, bản thân DN đã nhìn thấy tiềm năng, lợi nhuận trong lĩnh vực nông nghiệp, mặt khác, 63 tỉnh thành, tỉnh nào cũng liên tục mời gọi đầu tư, xúc tiến đầu tư nông nghiệp tạo thành sức mạnh, sức hút cho khu vực này.

{keywords}
 Từ năm 2017 đến nay, số lượng nhà máy/cơ sở chế biến lớn khởi công mới, đi vào hoạt động là 60 nhà máy với tổng mức đầu tư 45.307 tỷ đồng

Chưa kể, cơ chế chính sách và khung pháp lý ngày càng được hoàn thiện, thu hút, tạo động lực cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. 

Ciai đoạn 2016-2020, Bộ NN-PTNT đã xây dựng hoặc tham gia xây dựng, trình ban hành nhiều chính sách thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như: chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (Nghị định số 57/2018/NĐ-CP), chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, chính sách bảo hiểm nông nghiệp (Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018), chính sách đầu tư theo hình thức đối tác công tư (Nghị định số 63/2018/NĐ-CP);

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong hợp tác, liên kết sản xuất quy mô lớn (Nghị định số 98/2018/NĐ-CP), chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao (Quyết định số 19/2018/QĐ-TTg); Chương trình tín dụng khuyến khích phát triển nông nghiệp cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 07/03/2017 (“Gói tín dụng 100.000 tỷ”).

Nhờ vậy, lực lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tăng nhanh, khẳng định vai trò trung tâm thúc đẩy nông nghiệp phát triển; nhiều doanh nghiệp trở thành nòng cốt của chuỗi giá trị và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, phát triển thị trường. 

Đến hết năm 2020, cả nước ước có gần 13.000 doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào nông nghiệp, tăng trên 3 lần so với năm 2015.

Bên cạnh sự đầu tư, phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn đẩy mạnh đầu tư, nhất là nông nghiệp ứng dụng CNC như Masan, TH, Vinamilk, Nafoods, Dabaco, Lavifood, Công ty TPXK Đồng Giao, Kim Tín, Thành Thành Công, An Việt Phát, Hùng Nhơn...

Tính riêng lĩnh vực chế biến nông lâm thủy sản, từ năm 2017 đến nay, số lượng nhà máy/cơ sở chế biến lớn khởi công mới, đi vào hoạt động là 60 nhà máy với tổng mức đầu tư 45.307 tỷ đồng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay.

Bộ trưởng cũng cho biết thêm, đầu tháng 10 tới sẽ khánh thành nhà máy chế biến 1,4 triệu con lợn; tiếp đó là nhà máy chế biến thịt gà xuất khẩu có công suất lớn nhất tại Bình Phước; khởi công nhà máy chế biến rau quả tại Sơn La; khánh thành nhà máy xuất khẩu rau quả, chế biến dược liệu cũng tại Sơn La...

Theo Bộ trưởng, khâu cuối cùng trong tổ chức sản xuất nông sản thì doanh nghiệp là hạt nhân quan trọng. Ở đó, doanh nghiệp không chỉ đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào ứng dụng từ sản xuất, quản trị, mà còn tổ chức chế biến (khâu yếu nhất của ngành nông nghiệp nước ta hiện nay), cho tới tổ chức xuất khẩu thương mại.

Do đó, phải chăm lo để doanh nghiệp từ nhỏ và vừa, doanh nghiệp FDI, đặc biệt là doanh nghiệp dân tộc ngày càng lớn mạnh, từ đó liên kết với bà con nông dân hình thành các tổ chức sản xuất với chuỗi khép kín, tiến tới tổ chức một nền nông nghiệp hiện đại, thắng lợi trong hội nhập quốc tế.

Các chuyên gia nông nghiệp nhận định, thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào khâu khâu chế biến nông sản thì hàng hóa nông dân sản xuất ra sẽ có giá ổn định hơn, nông sản chế biến bảo quản được lâu và xuất khẩu giá cao hơn. Nếu không làm tốt khâu này thì nông sản khó gia tăng giá trị, không giải quyết được vấn đề thời vụ.

Thực tế, từ đầu năm đến nay, khi dịch Covid-19 xảy ra, nhiều nơi nông dân khóc ròng vì tình trạng nông sản bí đầu ra, giá giảm mạnh, phải “giải cứu” do khó xuất khẩu. Song, nông sản chế biến gần như không bị ảnh hưởng, thậm chí tại một số doanh nghiệp, sản phẩm nông sản chế biến còn cháy hàng do nhu cầu tăng đột biến khi dịch bệnh bùng phát.

Hải Băng