Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa có báo cáo về công tác dự báo, cảnh báo, thông tin về bão, mưa, lũ lụt, sạt lở đất liên quan đến cơn bão số 3 Yagi và những tác động gây hậu quả nặng nề đến nhiều địa phương miền Bắc nước ta.

Theo đó, ngày 3/9, sau khi vào Biển Đông, bão số 3 Yagi nhanh chóng tăng từ cấp 8 lên cấp 16, cấp siêu bão, chỉ sau 48 giờ. Đêm 6/9, khi bão đi vào vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Vịnh Bắc Bộ, cường độ bão giảm xuống cấp 14, giật cấp 17.

w 2f1c8c83ee70492e1061 1473.jpg
Bảo tàng Quảng Ninh bị bão tàn phá trong ngày 7/9. Bão số 3 đã tàn phá nhiều công trình, nhà cửa và các ngành kinh tế của đất mỏ, ước tính thiệt hại gần 24 nghìn tỷ đồng. Ảnh: Thạch Thảo

Chiều 7/9, bão số 3 đổ bộ vào khu vực các tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng với cường độ cấp 10-12, vùng gần tâm bão cấp 13-14, giật cấp 16-17. Vào hồi 4h sáng ngày 8/9, bão số 3 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Tây Bắc Bộ.

Theo các chuyên gia, đặc điểm bất thường của cơn bão số 3, là cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua trên khu vực Biển Đông; là cơn bão có cường độ tăng rất nhanh (trong 24 giờ cường độ bão tăng 8 cấp) và duy trì cấp siêu bão trong thời gian dài, khi đổ bộ vào phía Đông của đảo Hải Nam (Trung Quốc) vẫn còn giữ cường độ siêu bão.

Mức độ giảm cấp trên đường đi không theo quy luật thông thường: thông thường khi đi qua đảo Hải Nam (Trung Quốc) vào Vịnh Bắc Bộ, các cơn bão thường yếu đi nhanh, nhưng với bão số 3 cường độ không giảm nhanh, khi áp sát bờ biển Quảng Ninh - Hải Phòng vẫn giữ cường độ cấp 12-13.

Đặc biệt, thời gian lưu bão trên đất liền kéo dài (12 giờ). 

Tác động của bão số 3, tại đảo Bạch Long Vĩ gió mạnh cấp 13, giật cấp 14; đảo Cô Tô gió mạnh cấp 13, giật cấp 16; ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng và Hải Dương gió mạnh cấp 10-12, vùng gần tâm bão cấp 13-14, giật cấp 16-17. Các tỉnh Đông Bắc Bộ gió mạnh cấp 8-10, giật 12-14. TP Hà Nội quan trắc được gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8.

Mưa lớn bất thường

Từ 7h ngày 7/9 đến 7h ngày 12/9, Bắc Bộ và Thanh Hóa mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 250-450mm, có nơi trên 550mm. Tại 83/84 trạm đo, lượng mưa cao hơn 4-6 lần so với trung bình nhiều năm trong 10 ngày đầu tháng 9.

Cụ thể, tại trạm Sa Pa (Lào Cai) ghi nhận 517mm, cao hơn 440%; Lục Yên (Yên Bái) 503mm, cao hơn 461%; Định Hóa (Thái Nguyên) 545mm, cao hơn 677%; Sơn Động (Bắc Giang) 386mm, cao hơn 488% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

img 5777 1361 2798.jpg
Tỉnh Cao Bằng là một trong những địa phương đầu tiên ở miền núi phía Bắc hứng chịu thiệt hại do hoàn lưu bão số 3 kết hợp mưa lớn gây ra ngập lụt trên diện rộng. Ảnh: Hoàng Hà

Bộ TN&MT đánh giá đặc điểm bất thường của mưa lớn do hoàn lưu cơn bão số 3. Cụ thể, khi di chuyển sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới ở khu vực phía Tây Bắc Bộ, mưa lớn nhất do hoàn lưu bão chủ yếu ở phía Đông dãy núi Hoàng Liên Sơn dù không nằm trên đường đi của bão, không chịu tác động trực tiếp của gió bão. Hầu hết các cơn bão có quỹ đạo tương tự trước đây thường gây mưa lớn ở phía Tây dãy núi Hoàng Liên Sơn.

Mưa rất lớn trên diện rộng (gồm nhiều tỉnh) thuộc lưu vực sông Thao, sông Chảy, sông Lô, sông Gâm với cường suất cao (trên 200mm/ngày), kéo dài nhiều ngày sau khi bão tan; trong đó, có những khu vực xuất hiện lượng mưa trên 200mm chỉ trong vòng 2 giờ (tại thành phố Yên Bái, đêm 9/9).

Theo Bộ này, trong các phiên họp thảo luận trực tuyến của cán bộ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia với các chuyên gia quốc tế thuộc Trung tâm Dự báo bão khu vực của Nhật Bản và cơ quan Khí tượng Trung Quốc, đều chung nhận định về đặc điểm bất thường của bão số 3 và mưa lớn do hoàn lưu bão gây ra ở Vịnh Bắc Bộ, vùng trung du và miền núi phía Bắc, phía Nam Trung Quốc.

Lũ trên các sông liên tiếp phá kỷ lục lịch sử

Do mưa lớn, từ 8/9, mực nước trên nhiều sông, suối ở Bắc Bộ lên nhanh. Trong đó, mực nước trên sông Thao, sông Lô, sông Thương, sông Gâm, sông Thái Bình, vùng hạ lưu sông Hồng, sông Lục Nam, sông Hoàng Long... đều vượt báo động 3 (BĐ3), một số sông vượt BĐ3 từ 3-4m.

Đặc biệt, lũ trên sông Thao tại Lào Cai, Yên Bái đã vượt đỉnh lũ lịch sử tồn tại 53 năm. Đỉnh lũ tại Yên Bái lên mức 35,73m (16h ngày 10/9), trên mức BĐ3 là 3,73m và vượt mức lũ lịch sử năm 1968 là 1,31m.

w ngap hanoi 9 3656.jpg
Khoảng 500m phố Bạch Đằng ngoài đê sông Hồng, Hà Nội ngập sâu trong ngày 11/9. Ảnh: Hoàng Hà

Cùng với đó, lũ trên hồ thủy điện Thác Bà cũng đạt mức lịch sử, đe dọa đến sự an toàn của đập. Cụ thể, hồ thủy điện Thác Bà được khảo sát, thiết kế từ năm 1959-1961, số liệu thủy văn đo đạc lưu lượng thời đó còn hạn chế nên thiết kế đập tràn khả năng xả lớn nhất chỉ 3.230m3/s. Trong khi, thực tế lưu lượng lớn nhất về hồ Thác Bà là 5.620m3/s vào lúc 9h ngày 10/9, vượt đỉnh lũ thiết kế 0,01% (5.100 m3/s) và vượt xa khả năng xả lớn nhất đến 74%.

Theo quy trình vận hành, khi mực nước hồ Thác Bà lên mức 59,60m sẽ chuyển sang chế độ vận hành đặc biệt để đảm bảo an toàn đập. Thực tế từ 17h ngày 10/9, mực nước hồ Thác Bà đã đạt mức 59,62m và chuyển sang chế độ vận hành đặc biệt, sau đó đạt mức cao nhất là 59,84m vào hồi 5h ngày 11/9. Theo lý thuyết mực nước kiểm tra của hồ Thác Bà là 61m và nếu mực nước thực tế đạt đến ngưỡng này sẽ phải thực hiện các phương án để đảm bảo an toàn đập. 

Tại Hà Nội, mực nước sông Hồng cũng ghi nhận cao nhất trong 20 năm. Các sông thuộc lưu vực sông Hồng, Thái Bình - hệ thống sông lớn nhất miền Bắc cũng xảy ra lũ, ngập lụt trên quy mô rộng lớn với nhiều mức vượt ngưỡng cũng là điều hiếm thấy. Theo thống kê có 20/25 tỉnh, thành phía Bắc xảy ra tình trạng ngập lụt nghiêm trọng.

Về lũ quét, sạt lở đất

Bộ TN&MT cho biết thêm, mưa lớn nên sạt lở đất, lũ ống, lũ quét xảy ra ở nhiều địa phương gây thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản của nhân dân và Nhà nước. Một số khu vực đã xảy ra lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng, như tại các tỉnh Cao Bằng, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh...

Đặc biệt, tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người.

hau qua bao so 3.jpg
Vụ lũ quét kinh hoàng xảy ra ở thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai), nơi có 37 hộ với 158 nhân khẩu. Ảnh: Thạch Thảo

"Nguyên nhân chính là do miền núi phía Bắc trong 3 tháng qua đã mưa rất nhiều, cao hơn 40-60% so với trung bình nhiều năm. Ở Lào Cai trong tháng 8 có đến 23/31 ngày mưa và ở Yên Bái là 21/31 ngày cũng là điều hiếm gặp.

Hầu hết các khu vực, đất đã ngậm no nước, ở trạng bão hòa nên khi có đợt mưa rất lớn, kéo dài nhiều ngày với cường suất cao như vừa qua thì hiện tượng sạt lở đất xảy ra tại nhiều nơi.

Lào Cai xảy ra lũ quét, mảng sạt lở quy mô lớn, Yên Bái quy mô mảng sạt lở nhỏ hơn nhưng xảy ra ở nhiều nơi. Trong đó, tại TP Yên Bái đã thống kê được trên 1.000 điểm sạt lở đất", Bộ TN&MT thông tin.

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến 17h30 ngày 15/9, bão số 3 và hoàn lưu bão đã khiến 330 người chết, mất tích (292 người chết, 38 người mất tích). 

Cảnh báo sạt lở ở miền núi dù mưa giảm

Ngày 15/9, cơ quan khí tượng cho biết, mực nước lũ ở hạ lưu sông Hồng hiện tại đang xuống nhưng vẫn còn ở mức cao, tình trạng ngập ở vùng trũng, thấp ven sông sẽ giảm dần trong những ngày tới.

Trong đó, thời gian nước rút ở vùng trũng thấp ven sông Bùi thuộc huyện Chương Mỹ từ 8-10 ngày, ven sông Tích khoảng 5-7 ngày, hạ lưu sông Cà Lồ 2-4 ngày, sông Nhuệ từ 2-3 ngày.

Ngoài đê hạ lưu sông Hồng - Thái Bình (tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Dương) thời gian rút nước kéo dài 3-5 ngày, đối với các vùng không chủ động tiêu thoát thì khả năng kéo dài hơn

Trong những ngày tới, khi nước lũ xuống trên các hệ thống sông sẽ có nguy cơ gây sạt lở bờ sông, nhất là ở những nơi vừa xuất hiện đỉnh lũ cao.

Bộ TN&MT cảnh báo, mưa đã giảm, nhiều nơi không mưa, nhưng nguy cơ xảy ra sạt lở đất vẫn ở mức cao, đặc biệt trên các sườn dốc ở miền núi phía Bắc, nhất là Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, thực tế đã xảy ra tại TP Yên Bái và các huyện Yên Bình, Văn Yên, Trấn Yên (Yên Bái) trong các ngày 12-13/9.

Đánh giá về công tác dự báo

Theo Bộ TN&MT, công tác dự báo, cảnh báo và thông tin, tuyên truyền về bão, mưa, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất đã được cơ quan khí tượng thủy văn, Bộ TN&MT triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đúng quy định.

Thông tin dự báo, cảnh báo của cơ quan KTTV sát với diễn biến thực tế của bão, mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất (dù trên thực tế bão, mưa có nhiều đặc điểm bất thường), tương đồng với dự báo của các cơ quan KTTV quốc tế, đáp ứng yêu cầu công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống, ứng phó thiên tai, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.