Luật này, dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại đợt 2 của kỳ họp thứ 7. Dự thảo luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý vẫn giữ bố cục gồm 7 chương và 54 điều, trong đó đã tiếp thu, chỉnh lý cả về nội dung và kỹ thuật tại 36/54 điều so với dự thảo luật trình Quốc hội tại đầu kỳ họp 7.
Một trong những điểm mới trong dự thảo luật là biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Theo dự thảo luật, HĐND TP được quy định mức tiền phạt cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định và không vượt quá mức phạt tối đa theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính với một số hành vi vi phạm hành chính tương ứng.
Mức phạt do UBND TP Hà Nội quy định trên được áp dụng trong các lĩnh vực: Văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm, giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn TP.
Đáng chú ý, dự thảo luật quy định trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn TP Hà Nội, Chủ tịch UBND các cấp được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước với công trình xây dựng sai quy hoạch, không có giấy phép.
Công trình xây dựng thuộc diện phải thẩm duyệt về thiết kế phòng cháy, chữa cháy mà tổ chức thi công khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy; cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường, kinh doanh dịch vụ karaoke không bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy cũng bị cắt điện nước, theo quy định của dự thảo luật.
Ngoài ra, cắt điện, nước còn được áp dụng với công trình xây dựng, cơ sở sản xuất kinh doanh chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đã đưa vào hoạt động; công trình phải phá dỡ đã có quyết định di dời khẩn cấp.
HĐND TP Hà Nội được trao quyền quy định chi tiết trường hợp áp dụng, thẩm quyền áp dụng và việc thực hiện biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước. “Cắt điện, nước là vấn đề cực kỳ bức xúc trong thực tiễn”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nói tại phiên họp.
Ông ví dụ, trong khu chung cư, có 1 vài hộ dân cố tình vi phạm, không coi trọng mạng sống của chính mình và những người trong chung cư đấy thì có được cắt điện, nước không? “Vì mạng sống của những người còn lại, mình vi phạm quyền của họ về điện, nước được không?”, Chủ tịch TP Hà Nội nói.
Ông Thanh cho rằng, xây nhà quá tầng, không bảo đảm điều kiện phòng cháy, chữa cháy theo quy định thì cách tốt nhất để dừng thi công “chỉ có cắt điện, nước”.
Chủ tịch TP Hà Nội cũng cho hay, một số công trình, khách sạn mini ở Thạch Thất gần Đại học Quốc gia Hà Nội, công an phải canh không cho dân vào ở vì dân đã vào ở thì rất khó xử lý.
“Phải cắt điện, nước để người ta không đưa dân vào ở được”, ông Sỹ Thanh đề xuất giao Hà Nội quyền này. Bởi chỉ chủ tịch xã, chủ tịch huyện, chủ tịch TP mới được quyền quyết.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, quy định này đã được cơ bản các đại biểu ủng hộ. Song, ông đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ đây là biện pháp xử lý hành chính hay biện pháp ngăn chặn?
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, nên gọi đây là các biện pháp ngăn chặn bởi việc xử phạt vi phạm hành chính đã được quy định rõ trong luật.
Theo dự thảo luật, HĐND TP được quy định mức tiền phạt cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định và không vượt quá mức phạt tối đa theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính với một số hành vi vi phạm hành chính tương ứng.
Mức phạt trên quy định được áp dụng trong các lĩnh vực: Văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm, giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn TP.