Sau khi Trung tâm Hành chính công tỉnh chính thức hoạt động, đến nay, Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Tây Ninh đã phát huy vai trò là đầu mối, thực hiện việc hướng dẫn, tiếp nhận, giám sát, đôn đốc việc giải quyết thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành theo Quy chế do Chủ tịch UBND tỉnh ban hành và Trung tâm đã hoàn thành một khối lượng lớn công việc, tạo được ấn tượng tốt đẹp cho mọi tổ chức, công dân khi đến giao dịch.

Theo đó, với phương châm "Chuyên nghiệp - Thân thiện - Trách nhiệm" và "Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo trong đánh giá kết quả giải quyết TTHC" góp phần phục vụ tổ chức, công dân tốt hơn thông qua việc gom gọn lại đầu mối, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình liên hệ, giải quyết các TTHC.

Bên cạnh việc hoàn thành các chỉ tiêu  năm 2024, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương cần tăng cường thực hiện hai khâu đột phá, đó là: thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình và tạo lập dữ liệu, tích hợp về Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh.

W-minhhoa.png
Ảnh minh hoạ

Tính đến nay, tổng số TTHC được cung cấp dạng dịch vụ công trực tuyến do tỉnh công bố là 1.622 thủ tục, đạt khoảng 98% (đã tích hợp lên cổng dịch vụ công quốc gia khoảng 73%). Tổng số dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ là 324/1.622 thủ tục, đạt tỷ lệ 19,97%, trong đó, 83,02% dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình (trung bình cả nước đạt 55,5%).

Theo đánh giá của Sở Thông tin và Truyền thông, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến đã có thành công nhất định nhưng không đồng đều giữa các sở, ngành, địa phương. Một số sở, ngành, địa phương đã triển khai rất tốt như Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (có trên 80% số dịch vụ công trực tuyến toàn trình phát sinh hồ sơ trực tuyến); các huyện, thị xã: Gò Dầu, Hoà Thành, Dương Minh Châu (có trên 60% số dịch vụ công trực tuyến toàn trình phát sinh hồ sơ trực tuyến); 87 địa phương cấp xã có 100% số dịch vụ công trực tuyến toàn trình phát sinh hồ sơ trực tuyến.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số tỉnh vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc- Trưởng Ban Chỉ đạo đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, nâng cấp phần mềm, cải thiện giao diện để ngày càng đơn giản, tiện ích, thân thiện với người dùng. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh số hoá, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC, thanh toán trực tuyến; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp, người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; rà soát, đơn giản hoá TTHC; củng cố nhân sự bộ phận Một cửa, tăng cường kiểm tra công vụ đột xuất, định kỳ… Các đơn vị, địa phương ưu tiên giải quyết TTHC trực tuyến đối với những bộ thủ tục đã đủ điều kiện. Đối với những bộ thủ tục chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện thì thông báo thực hiện thí điểm tiếp nhận TTHC trực tuyến, thời gian bắt đầu từ ngày 1.12.2024 đến quý I năm 2025.

Tin rằng, với những kết quả tích cực ban trong thực hiện mô hình Trung tâm Hành chính công, cùng với sự quyết tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, Trung tâm Hành chính công tỉnh tiếp tục là địa chỉ tin cậy trong việc tiếp nhận và trả kết quả TTHC, trở thành cầu nối giữa cơ quan, đơn vị với tổ chức, cá nhân, Nhân dân trên địa bàn tỉnh.