Rất nhiều giảng viên nói rằng việc dạy kỹ năng là chuyện của người khác, việc của họ chỉ là dạy kiến thức. Nhiều giảng viên hài lòng với biệt danh "tiến sĩ gây mê" sinh viên đặt cho mình" - ông Vũ Hồng Vận, Trưởng khoa Khoa học cơ bản, Phân hiệu Trường ĐH Giao thông vận tải tại TP.HCM, nhận xét.

Hội thảo Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo trong bối cảnh hội nhập và tự chủ do Trường ĐH Nông lâm TP.HCM tổ chức sáng nay 6/10.

Nếu đổi mới thì cũng “trăm hoa đua nở”

Tại đây, ông Vũ Hồng Vận khẳng định đổi mới phương pháp giảng dạy và học là tất yếu. Thế nhưng, hiện nay gần như chưa có chuẩn cụ thể để đánh giá các tiêu chí đó.

Theo ông Vận, phương pháp giảng dạy của giảng viên chủ yếu là chú trọng thuyết trình, đọc cho sinh viên chép. Khi có các phần mềm thì giảng viên lại soạn sẵn slide, trình chiếu cho sinh viên xem, nếu có thuyết trình thì giống như giáo trình, tài liệu có sẵn. 

{keywords}
TS Vũ Hồng Vận

Các giảng viên đưa ra văn bản đổi mới phương pháp giảng dạy nhưng không tổng kết, dẫn tới tình trạng “trăm hoa đua nở”, mỗi người một phương pháp khác nhau. Có giảng viên thì không chịu đổi mới và bao nhiêu năm vẫn giữ một câu cửa miệng “mấy chục năm nay tôi đi dạy vẫn thế” - ông Vận nói.

Ông Vận cho biết khi làm một cuộc khảo sát về vai trò của giảng viên, rất nhiều người nói rằng dạy kỹ năng không phải việc của họ, họ chỉ dạy kiến thức. "Chính điều này hình thành nên những giảng viên lên lớp là... ru ngủ sinh viên, cũng chính họ lại hài lòng với biệt danh "tiến sĩ gây mê" mà sinh viên đặt cho" - ông Vận bình luận.

Để nâng cao chất lượng đào tạo, ông Vận cho rằng giảng viên phải thay đổi phương pháp giảng dạy, sinh viên cũng phải thay đổi thói quen cứ lên lớp là chỉ chép lại lời dạy của thầy một cách máy móc, coi lời dạy của thầy là chân lý.

Tuy nhiên chính ông Vận cũng thừa nhận rằng dù có thay đổi như thế nào thì rào cản hiện nay vẫn là thi cử, kết quả cuối cùng vẫn là điểm số.

Bản thân tôi là một giảng viên đi dạy 17 năm. Thế nhưng, điều đầu tiên tôi phải xem là đề thi như thế nào, hình thức thi ra sao, vì tôi có đổi mới như thế nào cuối cùng cũng vẫn phải quay về đề thi. Còn sinh viên khi được hỏi lên trên lớp học để làm gì, 99% nói rằng học để lấy điểm. Hỏi kiển thức là gì, thì cũng được trả lời là điểm số" - ông Vận nêu vấn đề.

Nâng cao tiếng Anh, quốc tế hóa giáo trình

Ông Nguyễn Hữu Huy Nhựt, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh Tế TP.HCM, thì cho biết để nâng cao chất lượng khi tự chủ, nhà trường đã xây dựng và áp dụng chương trình tiên tiến quốc tế cho toàn bộ hệ đại trà. 

Nhà trường thiết kế chương trình theo nguyên tắc dạy những gì các trường đại học hàng đầu thế giới đang dạy, và dạy theo cách mà họ đang sử dụng. Việc này được cụ thể hóa như tham khảo chương trình các trường đại học hàng đầu thế giới, như tham khảo chương trình các trường tốp 100 cho bậc thạc sĩ, tốp 200 cho bậc đại học. Giảng dạy bằng tiếng Việt nhưng sử dụng chương trình quốc tế, các giáo trình này sẽ được dịch có bản quyền sang tiếng Việt cho năm 1 và năm 2 bậc đại học.

{keywords}
PGS.TS Nguyễn Hữu Huy Nhựt

Riêng năm 3 và 4 bậc đại học và toàn bộ bậc thạc sĩ ở trường này sử dụng trực tiếp giáo trình gốc giáo trình quốc tế do trường chọn. Đối với bậc tiến sĩ, nghiên cứu sinh phải thực hiện luận án theo chuẩn quốc tế, được khuyến khích viết bằng tiếng Anh và phải công bố ít nhất 2 bài báo khoa học trên tạp chí khoa học có bình duyệt, hoặc trên tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI hay Scopus. 

Trong khi đó, ông Phạm Huy Cường, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM, cho rằng việc nâng cao năng lực ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, cho đội ngũ lao động là điều hết sức cần thiết. Nhưng hiện nay các trường đại học đều thực hiện mà kết quả lại chưa khả quan. 

"Một trong những nguyên nhân là do giảng viên dù đạt yêu cầu về bằng cấp và được trang bị về phương pháp giảng dạy nhưng ít áp dụng vào giảng dạy, hoặc có ít động lực để làm việc này do khối lượng kiến thức cần truyền tải. Giảng viên lại khá e dè, không tạo không khí lớp học" - ông Cường nhận định.

Theo ông Cường, chương trình đào tạo tiếng Anh ở các trường đại học chiếm thời lượng cao nhất trong phân phối các môn học. Tuy nhiên, chương trình chủ yếu dựa trên nguồn tài liệu nước ngoài biên soạn nên tạo ra sự khác biệt văn hóa, nhiều chủ đề sinh viên không quan tâm, không thích thì không học. Khi thiết kế và triển khai lại thì ít chuyên gia quan tâm dẫn đến việc nội dung học chưa hiệu quả.

{keywords}
Đại biểu dự hội thảo

Ông Cường khuyến nghị cần nhấn mạnh và tăng thời lượng thực hành giao tiếp và các nội dung thực sự hữu ích, để sinh viên có thể vận dụng vào quá trình làm việc sau khi khi tốt nghiệp. Khi thiết kế chương trình cần tham khảo ý kiến nhà tuyển dụng, cựu sinh viên để có thể tích hợp được những nội dung thiết yếu cho từng chuyên ngành cụ thể. Các nội dung đặc thù này có thể là một phần chính của giáo trình hoặc làm tài liệu bổ sung bên cạnh giáo trình.

Chính lãnh đạo các trường đại học cũng phải có nhiều chính sách quan tâm tới hoạt động đào tạo tiếng Anh, cùng hoạch định ra chính sách ngoại ngữ chung, đặc biệt giữa những trường đào tạo nhóm ngành tương tự nhau” - ông Cường đề xuất.

Còn ông Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cho rằng một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng khi tự chủ là tiếp tục đổi mới giảng dạy ngoại ngữ không chuyên. 

"Cần tổ chức các lớp đào tạo tiếng Anh theo đúng trình độ và yêu cầu của chuẩn đầu ra về ngoại ngữ đối với sinh viên. Đổi mới giáo trình, cải tiến phương pháp giảng dạy ngoại ngữ không chuyên. Các trường nên lấy cả ngoại ngữ và tin học làm chuẩn đầu ra..." - ông Lý nêu quan điểm.

Lê Huyền