Làm rõ hiệu quả của Ban Thanh tra nhân dân

ĐB Lò Thị Luyến (Điện Biên) cho biết, cử tri Điện Biên đề nghị không nên quy định việc lập Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. 

“Quy định này không thực chất và khó làm vì cán bộ công chức, viên chức được hội nghị cán bộ công chức, viên chức của cơ quan bầu để tham gia Ban Thanh tra nhân dân là những người đang thi hành nhiệm vụ do thủ trưởng cơ quan giao, chịu sự quản lý của thủ trưởng, sinh mệnh chính trị của họ đang nằm trong tay của thủ trưởng cơ quan.

Do đó, khi được tham gia ở trong Ban Thanh tra nhân dân thì không giám sát được hoặc có giám sát được, có phát hiện thì cũng không dám nói. Bởi vì, khi nói ra thì sinh mệnh chính trị của mình đang ở trong đó”, bà Luyến phân tích.

ĐB Lò Thị Luyến (Điện Biên). Ảnh: Phạm Thắng

Ngoài ra, đại biểu tỉnh Điện Biên cho rằng, dự thảo luật đưa thêm cả nhiệm vụ kiểm tra đối với Ban Thanh tra nhân dân trong khi nhiệm vụ giám sát đã không thực hiện được, nếu thêm cả nhiệm vụ kiểm tra nữa lại càng không làm được. 

“Thực tế các vụ án tham ô, tham nhũng, những hành vi chuyên quyền, lợi dụng… thì không phải là do Ban thanh tra ở đơn vị phát hiện và cảnh báo, mà phát hiện ra những vụ việc này chính là ở các quy định khác, quy định của Đảng và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của các chuyên ngành luật khác. Do đó, cử tri đề nghị bỏ vì không thực chất và khó thực hiện”, ĐB Lò Thị Luyến nhấn mạnh.

ĐB tỉnh Điện Biên nêu thực tế, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có những đơn vị còn không thành lập Ban Thanh tra nhân dân. Việc thành lập ban này chỉ để đối phó với kế hoạch kiểm tra của công đoàn cơ sở cấp trên và các cơ quan chức năng. “Còn thực tế là thành lập cho có chứ không là gì và cũng không làm được”. 

Bà đề nghị Ủy ban Pháp luật có thể tiếp tục khảo sát ở một số địa phương về việc cần thiết có thành lập Ban thanh tra nhân dân ở các đơn vị này hay không; đánh giá kết quả việc thực hiện nhiệm vụ của Ban thanh tra này ở các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp và các loại hình khác; có bao nhiêu việc được tổ chức này phát hiện được giải quyết và có kết quả để có sự thuyết phục đối với ĐBQH.

ĐB Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, để đánh giá rõ hơn về hiệu quả của Ban Thanh tra nhân dân tại các cơ quan, đơn vị, các cơ quan chức năng có liên quan nên bổ sung làm rõ hơn việc duy trì hay không duy trì Ban Thanh tra nhân dân tại các đơn vị này. 

“Theo tôi, cơ quan thẩm tra nên đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là tổ chức đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động cũng như phối hợp với cơ quan soạn thảo dự thảo luật này báo cáo rõ hơn về hiệu quả của Ban Thanh tra nhân dân ở trong các tổ chức, cơ quan, đơn vị để các đại biểu có thông tin khi xem xét và quyết định là có nên duy trì hoặc hình thức nào để tổ chức hoạt động Ban Thanh tra nhân dân”, đại biểu Phúc nói.

Tránh bè phái, cánh hẩu

ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) nhấn mạnh, Ban Thanh tra nhân dân là một thiết chế tự quản của nhân dân để thực hiện quyền kiểm tra và giám sát của người dân. 

Vì vậy, ông đề nghị nên đổi tên Ban Thanh tra nhân dân thành Ban Kiểm tra, giám sát nhân dân. Điều này phù hợp và đúng nội hàm của nó và đặt trong hoàn cảnh của luật này mà tên gọi cũng rất thân thương, gần gũi. 

ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) thì cho rằng nên giữ nguyên tên gọi là Ban Thanh tra nhân dân và nhấn mạnh cần thiết có thiết chế này, đặc biệt là ở xã, phường, thị trấn nhưng phải có hình thức tổ chức, cơ chế hoạt động sao cho thực chất và hiệu quả. 

“Thực tế, nhiều ban thanh tra bầu ra nhưng hoạt động không chất lượng, không hiệu quả, nói thật là không biết bị hoạt động gì”, ông Trí dẫn chứng.

ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) 

Đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng cần quy định tiêu chuẩn như thế nào đó để tránh việc bè phái: “Như Bác Hồ dùng từ "cánh hẩu", đặc biệt là họ hàng, ở các địa phương đây là vấn đề rất nặng nề, rất khó khăn, cần có quy định như thế nào đó để tránh việc đưa họ hàng vào quá nhiều trong Ban Thanh tra nhân dân”.

Ngoài ra, ĐB Nguyễn Anh Trí cũng lưu ý, vấn đề quan trọng nhất của phường, xã, đó là những công khai liên quan đến đất đai, như: Thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư thì còn cần có quy định để công khai được rõ ràng, cập nhật và kịp thời, nếu để chậm trễ là Nhân dân rất khổ. 

“Qua đi giám sát thấy rất rõ được điều đó và nếu công khai không rõ ràng thì có thể nói đây là môi trường màu mỡ để nhũng nhiễu, để tiêu cực, tham ô, tham nhũng phát triển, cho nên rất mong là có quy định như thế nào đó để đảm bảo được việc đó”, đại biểu bày tỏ.

Bên cạnh đó ông cũng nhấn mạnh đến quy định làm sao phải có người có trách nhiệm giải thích, giảng giải làm cho nhân dân hiểu được, tránh hiện tượng vẫn treo lên bảng, vẫn có thông tin trên mạng nhưng đọc không hiểu. Quy định này liên quan đến rất nhiều việc, kể cả là tính đồng thuận để thực hiện các dự án.

Cân nhắc việc lập Ban thanh tra nhân dân trong DN tư

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) quan tâm đến quy định của dự luật về phạm vi điều chỉnh trong doanh nghiệp và đặc biệt là doanh nghiệp ngoài nhà nước. 

“Tôi ở đây muốn nói doanh nghiệp ngoài nhà nước, thực tế là tư bản mà bản chất tư bản là lợi nhuận. Bây giờ đặt vấn đề là doanh nghiệp ngoài nhà nước thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, trong đó có hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ rất bí mật mà bắt buộc phải hoạt động công khai, công bố cho người lao động có hợp đồng lao động biết. Việc này làm sao làm được, rất là khó làm”, ông Hòa băn khoăn.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Thường vụ Quốc hội nên có một sự cân nhắc đối với doanh nghiệp ngoài nhà nước, trong đó có doanh nghiệp FDI. Các quy định về thực hiện dân chủ dự thảo luật quy định rất rành mạch, rõ ràng, cụ thể nhưng chỉ áp dụng cho doanh nghiệp nhà nước. Còn đối với doanh nghiệp tư nhân rất khó áp dụng.

ĐB Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) 

ĐB Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) bày tỏ nhất trí với quan điểm cho rằng việc thực hiện dân chủ ở cơ sở được xây dựng trên cơ sở mối quan hệ của Nhân dân với Nhà nước. 

Trong khi đó, tại tổ chức sử dụng lao động thì quan hệ lao động là yếu tố đầu tiên, là tiền đề xác lập lên mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động; quyền và nghĩa vụ các bên đã được các quy định pháp luật về lao động điều chỉnh. Quan hệ này khác với quan hệ đương nhiên giữa Nhân dân với nhà nước. 

“Người lao động có hai vai: Một vai là nhân dân, một vai là người làm thuê cho người sử dụng lao động. Tại nơi làm việc thì ưu tiên đầu tiên của người lao động phải là vai thứ hai, tức là vai người làm thuê và chịu sự điều chỉnh của pháp luật về quan hệ lao động là trên hết”, ông Nghĩa phân tích.

Do đó, đại biểu đề nghị hết sức cân nhắc việc quy định về Ban thanh tra nhân dân tại tổ chức sử dụng lao động.