Thị trường tài chính thế giới và trong nước đang biến động mạnh khi chứng khoán liên tục giảm giá còn vàng vượt đỉnh lịch sử, nhiều người đã chọn chốt lời khoản đầu tư vào vàng nhưng vẫn chưa thể đầu tư vào chứng khoán.
Kênh tiền gửi tiết kiệm trở thành lựa chọn của nhiều người để tạm cất giữ tiền khi chưa tìm được phương án đầu tư hiệu quả tiếp theo.
Có 500 triệu nên gửi tiền vào đâu?
Cách gửi tiền linh hoạt nhất hiện nay chính là tiền gửi không kỳ hạn. Bằng cách này, người dân có thể rút tiền bất cứ lúc nào mà không mất phí cũng như không để tiền nhàn dỗi sau khi đã chốt lời khỏi vàng.
Tuy nhiên, tiền gửi không kỳ hạn cũng là loại hình có lãi suất thấp nhất hiện nay, phổ biến chỉ khoảng dưới 1%/năm.
Trong đó, 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước gồm Agribank, Vietinbank, Vietcombank, BIDV hiện niêm yết lãi suất kỳ hạn này ở mức 0,1%/năm. Trong khi nhóm ngân hàng tư nhân niêm yết khoảng 0,4-0,8%/năm.
Nhiều người dân đang có lượng lớn tiền nhàn dỗi sau khi chốt lời vàng. Ảnh: Việt Hùng. |
Nếu có tiền nhàn dỗi lâu hơn, lợi nhuận sẽ tăng đáng kể nếu lựa chọn các kỳ hạn trên 1 tháng. Phần lớn ngân hàng hiện này đều niêm yết lãi suất tối đa cho các khoản tiền gửi này, đạt 5%/năm.
Nếu người dân gửi 500 triệu đồng, số tiền lãi nhận được sẽ vào khoảng 2 triệu với kỳ hạn 1 tháng hoặc 6 triệu nếu gửi 3 tháng.
Tại mốc kỳ hạn này, nhóm ngân hàng Agribank, Vietinbank, Vietcombank, BIDV cùng niêm yết ở 4,3%/năm với gói 1 tháng; và 4,8%/năm với gói 3 tháng. Tương đương mức lãi suất này, nếu gửi 500 triệu người dân sẽ lần lượt nhận về 1,8 triệu và 5,4 triệu đồng tiền lãi khi tất toán.
Nhóm ngân hàng tư nhân cỡ lớn như ACB, Sacombank, MBBank, Techcombank, VPBank… chủ yếu niêm yết lãi suất kỳ hạn này trong khoảng 4,8-5%/năm.
Tiền gửi 6 tháng tối đa 7,85%/năm
Các khoản tiền trên 6 tháng sẽ không bị Ngân hàng Nhà nước khống chế trần lãi suất nên từ kỳ hạn này, lãi tiền gửi tiết kiệm tại nhiều ngân hàng tăng khá mạnh.
Nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước vẫn niêm lãi suất ở mức thấp, khoảng 5,3%/năm, trong khi nhiều ngân hàng tư nhân lớn đã tăng lên, dao động trong khoảng 6-7%/năm.
MBBank hiện niêm yết lãi tiền gửi kỳ hạn 6 tháng ở mức 6,4%, tương đương với Techcombank, TPBank và Sacombank.
Lãi suất tại nhóm MSB, SHB, HDBank, Oceanbank dao động trong khoảng 6,8-6,9%/năm.
Để được hưởng lãi suất 7%/năm trở lên, người dân có thể lựa chọn các ngân hàng quy mô nhỏ hơn như ABBank, SCB, OCB, hay PGBank…
Thậm chí, nếu chọn gửi tiền vào CBBank (ngân hàng 100% vốn Nhà nước) mức lãi suất được hưởng sẽ lên tới 7,85%/năm.
Ước tính, nếu gửi 500 triệu vào CBBank, sau 6 tháng người gửi sẽ thu lời gần 20 triệu đồng thay vì mức lãi hơn 13 triệu nếu gửi vào Agribank, Vietinbank, Vietcombank, hay BIDV.
Lãi suất cao nhất thị trường 8,1%/năm
Kỳ hạn 1 năm có sự cạnh tranh lớn nhất giữa các nhóm ngân hàng. Trong đó, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước tiếp tục là nhóm có lãi suất thấp nhất thị trường, cùng đạt 6,8%. Tại mức lãi này, người gửi 500 triệu sau một năm sẽ nhận về 34 triệu đồng tiền lãi.
Cùng có lãi suất dưới 7% còn có SeABank, LienVietPostBank, Sacombank, Techcombank và ACB.
Biểu lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng hiện nay:
Nếu lựa chọn các ngân hàng tư nhân như MBBank, SHB, VPBank, hay ACB người dân sẽ được hưởng mức lãi suất khoảng 7-7,1%/năm.
Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm cao nhất thị trường hiện thuộc về NCB với 8,1%. Tại mức lãi suất này, khoản tiền 500 triệu sẽ sinh lời 40,5 triệu đồng sau một năm cho người gửi, tức cao hơn gần 20% so với nhóm ngân hàng lớn.
Tuy nhiên, NCB lại là một trong những ngân hàng có quy mô nhỏ nhất thị trường với số lượng chi nhánh, phòng giao dịch khiêm tốn, chủ yếu tập trung tại Hà Nội và TP.HCM.
Nếu muốn gửi tiền tại những ngân hàng có quy mô lớn hơn, nhiều phòng giao dịch, ATM hơn, người dân sẽ phải hạ mức lãi suất kỳ vọng xuống dưới 8%.
Trong đó, nhóm ngân hàng có lãi suất tiền gửi 1 năm cao trên thị trường hiện nay gồm PVCombank, NamABank, CBBank, ABBank… xấp xỉ 7,8-7,9%/năm. Các ngân hàng quy mô vừa như Eximbank, OCB, HDBank cũng có lãi suất tiền gửi vào khoảng 7,3-7,4%/năm.
(Theo Zing)