W-NTM Sơn La xã biên giới đặc biệt khó khăn.jpg
Từ khi triển khai xây dựng nông thôn mới, diện mạo nhiều xã đặc biệt khó khăn ở vùng biên giới của Sơn La đã đổi thay đáng kể.

Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Sơn La có 202 xã, thị trấn, trong đó có 66 xã khu vực I, 10 xã khu vực II và 126 xã khu vực III. 

Xã ở khu vực II và khu vực III là những xã còn khó khăn và đặc biệt khó khăn. Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, những năm qua, nhiều xã đặc biệt khó khăn ở Sơn La đã nỗ lực bứt phá vươn lên, được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Trong số 10 xã khu vực III, đến nay, huyện Yên Châu đã có 2 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới là Sặp Vạt và Lóng Phiêng.

Vào năm 2012, xã Lóng Phiêng mới đạt 2/19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, tuy nhiên, đến hết năm 2023, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trở thành xã biên giới đầu tiên của huyện đạt chuẩn nông thôn mới. 

Có được “quả ngọt” này là hơn 10 năm qua, Lóng Phiêng đã không ngừng nỗ lực phấn đấu. Ngay từ đầu, xác định mục tiêu xây dựng nông thôn mới để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, xã đã tập trung phát triển nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp như mận hậu giải vụ, nhãn chín muộn… với tổng diện tích cây ăn quả là 1.483 ha; diện tích cho thu hoạch trên 1.068 ha, giá trị trung bình đạt 181 triệu đồng/ha. 

Trên địa bàn xã có 7 HTX hoạt động có hiệu quả, 2 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, 132 hộ kinh doanh dịch vụ… Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt 42,3 triệu đồng/người/năm. 

Kinh tế phát triển, đời sống người dân trong xã ngày càng được nâng cao, nhiều gia đình tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2013 đến nay, xã đã huy động được trên 67,1 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp gần 7 tỷ đồng, xây dựng đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa, thủy lợi… Toàn xã không còn nhà tạm, nhà dột nát, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 12,8%. 

Hiện Lóng Phiêng đang tiếp tục củng cố và nâng cao hơn nữa chất lượng các tiêu chí đã đạt được để tiến tới mục tiêu đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu vào thời gian nhanh nhất. 

Cũng như Lóng Phiêng, Mường Sai là xã vùng III của huyện Sông Mã. Từ ngày triển khai xây dựng nông thôn mới, Mường Sai đã huy động tổng kinh phí trên 85 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước đầu tư hơn 82,4 tỷ đồng, còn lại là nhân dân đóng góp để xây dựng 3 công trình sắp xếp dân cư; 2 công trình đường giao thông; 7 công trình văn hóa thể thao; 1 công trình nhà lớp học; ngoài ra, nhân dân trong xã đã hiến trên 90.000m2 đất, đóng góp hơn 5.000 ngày công lao động để xây dựng cơ sở hạ tầng.

Đến nay, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới; 100% đường xã được bê tông hóa; đường bản, liên bản được cứng hóa, đường ngõ xóm đi lại thuận tiện quanh năm; 12/12 bản có nhà văn hóa và nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao. 

Mường Sai phát triển được các mô hình kinh tế nông nghiệp với 305 ha cây ăn quả các loại đã cho sản phẩm, như nhãn, xoài, dứa…; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 42,2 triệu đồng/người/năm. Hiện nay, các trường học, trạm y tế của xã đã được đầu tư xây dựng đạt chuẩn; xã đã hoàn thanh việc xoá nhà tạm, tỷ lệ hộ nghèo còn 9,69%.

Sau khi được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, Mường Sai tiếp tục phát huy, giữ vững các tiêu chí, chỉ tiêu về xã nông thôn mới, tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí để phấn đấu đưa xã đạt xã nông thôn mới nâng cao. 

Ngoài Lóng Phiêng và Mường Sai, Chiềng Pha cũng là xã vùng III của huyện Thuận Châu. Năm 2010, khi bắt tay xây dựng nông thôn mới, Chiềng Pha gặp nhiều khó khăn khi xuất phát điểm còn thấp, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 4 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo cao; cơ sở vật chất điện, đường, trường, trạm, chưa đạt chuẩn; nhà văn hóa, khu thể thao còn thiếu; hệ thống giao thông nông thôn chưa đồng bộ…. 

Xã xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng nông thôn mới nên xã đã thành lập ban chỉ đạo chương trình, tập trung khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, xã đã vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập; đồng thời đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân.

Đến nay, trên địa bàn xã đã hình thành một số mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, như mô hình trồng thanh long ruột đỏ ở bản Heo Trại, Quỳnh Thuận; trồng bưởi da xanh ở bản Hưng Nhân; trồng chè ở bản Nong Lào; cà phê ở bản Ngà Phát; chăn nuôi ở bản Ta Khoang…. 

Năm 2023, toàn xã có gần 167 ha chè với sản lượng hơn 730 tấn chè búp tươi; 465 ha cà phê, sản lượng hơn 2.500 tấn; 10 ha sa nhân; ngoài ra còn có 127 ha cây ăn quả như cam, bưởi, thanh long... Thu nhập bình quân đạt 25 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn gần 13%.

Kinh tế phát triển đã góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, xã đã nhận được sự chung tay, góp sức của người dân. Nhiều gia đình đã hiến đất, ủng hộ tiền, ngày công xây dựng cơ sở hạ tầng… tổng nguồn vốn huy động xây dựng nông thôn mới của xã đạt trên 47 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp gần 9,5 tỷ đồng. 

Đến năm 2023, xã đã đạt 19/19 tiêu chí, 56/57 chỉ tiêu nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo còn 11,9%; thu nhập bình quân đạt 42,1 triệu đồng/người/năm; 100% số hộ dân được sử dụng điện thường xuyên, an toàn; 96,5% số hộ dân có nhà ở đạt tiêu chuẩn; trên 70% các cấp học có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia; 100% bản có nhà văn hóa và nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng; 100% người dân tham gia BHYT…

Với kết quả này, đến cuối năm 2023, xã Chiềng Pha được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Bà Cà Thị Ngọc, Chủ tịch UBND xã Chiềng Pha, cho biết, sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, xã tiếp tục giữ vững và nâng chất các tiêu chí để phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Những năm qua, từ khi triển khai xây dựng nông thôn mới, diện mạo nhiều xã đặc biệt khó khăn ở vùng biên giới của Sơn La đã đổi thay đáng kể, các bản, làng như được khoác thêm áo mới, trở thành những miền quê đáng sống. 

Mới đây, tỉnh Sơn La đã công bố danh sách 14 xã khu vực II, khu vực III trên địa bàn tỉnh đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023; trong đó khu vực II có 4 xã và khu vực III có 10 xã.