Ngay sau Hội nghị diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ 28 (ARF-28) đã diễn ra trực tuyến với sự tham gia của 27 nước và tổ chức thành viên kết thúc, Đại sứ Phạm Quang Vinh đã chia sẻ với  tờ Thế giới Việt Nam về các thách thức an ninh chung cũng như những nỗ lực trong thúc đẩy duy trì môi trường hòa bình, an ninh bền vững của khu vực. 

ASEAN có những nguyên tắc, quan điểm, lập trường về vấn đề Myanmar

Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, vấn đề hiện nay ở Myanmar không chỉ là chuyện riêng của nước này mà còn ảnh hưởng tới khu vực cũng như Cộng đồng ASEAN. ASEAN có những nguyên tắc, quan điểm, lập trường của mình về vấn đề Myanmar, thể hiện ngay sau cuộc chính biến ở nước này.

Theo đó, ASEAN mong muốn Myanmar ổn định trở lại, các bên liên quan ở Myanmar phải đối thoại và giải quyết với nhau, không được để xảy ra xung đột. Myanmar cũng cần phải đưa ra một giải pháp chính trị mà các bên có thể chấp nhận được. ASEAN sẵn sàng hỗ trợ các bên của Myanmar đi vào đối thoại, tìm giải pháp chính trị. ASEAN cũng cử đặc phái viên và tham gia hỗ trợ nhân đạo.

Từ Hội nghị các nhà Lãnh đạo ASEAN tháng 4/2021, ASEAN đã liên tục trao đổi với các bên ở Myanmar. Rõ ràng, câu chuyện của Myanmar là phải do Myanmar giải quyết, tuy nhiên các bên ở Myanmar cũng phải có trách nhiệm giải quyết bằng đối thoại, hòa bình.

ASEAN vẫn kiên trì trong nỗ lực hỗ trợ Myanmar, can dự và liên hệ với các bên để không xảy ra xung đột đổ máu và có thể đối thoại, giải quyết vấn đề với nhau.

Đại sứ Phạm Quang Vinh cho rằng, trước mắt vấn đề Myanmar còn nhiều phức tạp và khó khăn, do đó, ASEAN cần phải kiên trì, thúc đẩy triển khai Đồng thuận 5 điểm. Việc ASEAN đạt nhất trí cử phái viên về Myanmar tại AMM-54 vừa rồi là bước khởi đầu quan trọng.

Các bên và nhất là giới cầm quyền ở Myanmar cần phải tạo thuận lợi, hợp tác đầy đủ, nhất là việc phái viên ASEAN có thể tiếp cận với các bên liên quan.

ASEAN cần phải chỉ rõ cho Myanmar thấy rằng nếu để tình hình tiếp tục căng thẳng, Myanmar sẽ phải chịu hậu quả rất lớn. Các bên Myanmar có trách nhiệm hợp tác với ASEAN và đây là hướng đi có lợi nhất cho nước này. Vì lợi ích của chính mình, Myanmar nên hợp tác với ASEAN, nơi mà Myanmar có thể đặt niềm tin nhất vào lúc này. Đây hoàn toàn là cơ hội để có thể tranh thủ ASEAN.

Biển Đông là câu chuyện chung của khu vực và quốc tế

{keywords}
 Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN-Trung Quốc về thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tại Hàng Châu, Trung Quốc.

Trả lời câu hỏi liên quan tới Biển Đông trong nghị sự ARF lần thứ 28, Đại sứ Phạm Quang Vinh cho rằng, vai trò của luật pháp quốc tế cũng như những nỗ lực thúc đẩy tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) được các nước, kể cả Trung Quốc ủng hộ. Lập trường này bao gồm việc bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông; tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982; không làm phức tạp thêm tình hình, thúc đẩy xây dựng lòng tin và tiếp tục đối thoại ASEAN-Trung Quốc.

Quan sát của Đại sứ Phạm Quang Vinh cho thấy, các nước ngày càng quan tâm hơn tới việc đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông và tôn trọng luật pháp quốc tế. Câu chuyện Biển Đông không chỉ là riêng giữa các bên tranh chấp với nhau mà là câu chuyện chung của khu vực và quốc tế.

Bởi vậy, các bên cần tạo môi trường thuận lợi cho đối thoại, trước hết, tránh làm gì phức tạp hơn tình hình ở Biển Đông như không được xâm phạm vùng biển, đặc quyền kinh tế hợp pháp của nước khác hay không được ỷ mạnh, mà lấn, ép. Nhất là, các bên phải tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982. Đó cũng là các nguyên tắc căn bản của ASEAN, Tuyên bố ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) và được quốc tế ủng hộ.

Việc xây dựng COC cũng phải dựa vào những điều căn bản nêu trên và COC phải là một công cụ góp phần quản trị tốt hơn hành vi các bên, tuân thủ luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982; giúp xây dựng lòng tin, giải quyết hoà bình tranh chấp và các bên không làm gì phức tạp thêm tình hình.

Trong quá trình đàm phán COC, hay DOC trước đây, cũng đã có những đề xuất về cơ chế giám sát thực thi hay giải quyết tranh chấp. Điểm chính là làm sao làm tốt hơn việc tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, trong đó có tuân thủ quyền và lợi ích của các nước ven biển đối với vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế.

Bên cạnh đó, cũng cần tính đến phán quyết 2016 của Tòa trọng tài, có nhiều điểm là cốt lõi của UNCLOS 1982, dù biết rằng Trung Quốc phản đối, như nguyên tắc đất trị biển, quy chế đảo, hoặc không thể áp đặt phi lý yêu sách “Đường chín đoạn”…

"Cần nhìn thẳng, soi vào luật pháp quốc tế như vậy là cách tốt nhất cho xây lòng tin và thúc đẩy COC, vì lợi ích chung của các nước, khu vực và thế giới. Để có được COC cần nỗ lực của tất cả các bên. Nhưng, không thể vội vàng, hình thức để có được COC bằng mọi cách, điều cần có là một COC hiệu quả, thực chất, tuân thủ luật pháp quốc tế. Thà chậm, kiên trì phấn đấu, còn hơn vội vàng để chỉ có một COC “tồi”", Đại sứ Phạm Quang Vinh nhấn mạnh trong cuộc trả lời phỏng vấn.

Duy Khánh