- Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) cho rằng nếu chỉ tiếp cận từ góc độ cơ quan quản lý thì không bao giờ cải cách TTHC thành công.

Tại hội nghị giao ban quý I về công tác kiểm soát TTHC hôm nay (12/4), đại diện nhiều bộ nêu khó khăn, vướng mắc trong rà soát cắt giảm TTHC đang có cũng như kiểm soát các TTHC sẽ có. Trong đó, khó khăn được nêu nhiều là việc phối hợp giữa các cơ quan trong các TTHC có sự tham gia quy định của nhiều bên.

"Cơ quan chúng tôi đã làm phần việc của mình nhưng cơ quan này, cơ quan kia thiếu hợp tác khiến hiệu quả bị hạn chế" là lý lẽ được đại diện nhiều bộ đưa ra.

Cách giải quyết, theo Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC Ngô Hải Phan, là "rất đơn giản", chỉ bằng thay đổi cách tiếp cận: Thay vì tiếp cận các TTHC từ góc độ của cơ quan quản lý, hãy tiếp cận từ góc độ của các đối tượng tuân thủ TTHC - người dân và doanh nghiệp.

Cục trưởng Ngô Hải Phan: Các cơ quan không nghĩ quy định mình ban hành là không phù hợp. Ảnh: Chung Hoàng

"Với các cơ quan quản lý, chỉ cần hồ sơ đủ giấy hợp lệ thì trong 10 ngày là giải quyết xong. Nhưng để có một bộ hồ sơ hoàn chỉnh nộp cho cơ quan cuối cùng, người dân, doanh nghiệp phải đến bao nhiêu nơi, làm bao nhiêu thủ tục, xin bao nhiêu chữ ký, con dấu...", ông Phan nói. "Có doanh nghiệp cho biết phải xin 30-50 con dấu, chạy 3 năm trời mới đủ hồ sơ nộp cho cơ quan cuối cùng".

Theo phân tích của ông Phan, tâm lý chung của các cơ quan quản lý khi ban hành văn bản pháp luật là cố gắng cân bằng yêu cầu tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu thuận tiện cho công tác quản lý. "Các cơ quan hầu như không bao giờ nghĩ quy định mình ban hành là không phù hợp, thiếu chặt chẽ", Cục trưởng Phan nói.

Vì vậy, nếu mỗi cơ quan, bộ, ngành chỉ lo rà soát các TTHC trong thẩm quyền của mình thì sẽ "không cải cách được gì". Chưa kể, như ông Ngô Hải Phan nêu, "địa phương chỉ là cấp thực hiện chứ không ban hành TTHC, nếu cứ cách nghĩ cục bộ thì họ chẳng có gì để rà soát, trong khi họ là cấp trực tiếp thi hành TTHC, hiểu hơn ai hết khó khăn của người dân, doanh nghiệp".

Đứng từ góc độ của người dân và doanh nghiệp để tiếp cận mới thấy cần thiết rà soát lại tất cả các khâu đi trước, từ đó, các cơ quan từ chủ trì đến phối hợp thực hiện TTHC sẽ ngồi lại bàn bạc với nhau để thấy rõ trách nhiệm mỗi bên, ông Phan nhấn mạnh.

Cũng với cách tiếp cận này mới thực hiện được mục tiêu cắt giảm ít nhất 30% chi phí tuân thủ đối với 24 nhóm TTHC trọng tâm năm nay, vì rà soát theo nhóm vấn đề, từng cơ quan riêng lẻ sẽ không làm được. "Các cơ quan muốn rà soát phải tiếp cận đối tượng tuân thủ, từ nghiên cứu hồ sơ đến tham vấn, trao đổi về những khó khăn, khúc mắc của họ", ông Phan nói.

Về điểm này, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 cũng nêu rõ: "Cắt giảm mạnh các TTHC, huy động sự tham gia tích cực của người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình xây dựng chuẩn quốc gia về TTHC".

"Người dân, doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, cải cách phải hướng tới họ, không hướng tới họ thì cải cách cho ai?", Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC nhận định.

Chung Hoàng

Chính phủ mời dân hiến kế 'xén' thủ tục