Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), 6 tháng đầu năm 2023, trong bối cảnh nhiều khó khăn thách thức cả trong và ngoài nước, NHNN đã chủ động kịp thời điều chỉnh chính sách, ban hành và triển khai kịp thời đồng bộ tối ưu các công cụ và giải pháp để kiểm soát lạm phát ở mức thấp, giảm mặt bằng lãi suất và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng.

giam-lai-suat-2.jpg
Ngân hàng điều chỉnh lãi suất nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân. 

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, để cân bằng giữa tăng trưởng và lạm phát, cân bằng giữa tỷ giá và lãi suất, giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá… là yêu cầu vô cùng khó, nhất là khi độ mở cửa của nền kinh tế nước ta ở mức rất lớn và dư địa của chính sách tiền tệ đang rất hạn hẹp. 

Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất tiếp tục tăng và neo ở mức cao, thực hiện chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, NHNN đã liên tục điều chỉnh giảm 4 lần, các mức lãi suất giảm từ 0,5-2%/năm. 

Với sự quyết tâm nỗ lực của toàn ngành, mặt bằng lãi suất thị trường đã có xu hướng giảm. 

Đến cuối tháng 6/2023, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VNĐ của các ngân hàng thương mại giảm khoảng 1%/năm so với cuối năm 2022. 

Các ngân hàng thương mại đã chủ động điều chỉnh và triển khai các chương trình, gói tín dụng ưu đãi để giảm lãi suất cho vay từ 0,5%-3%/năm, tuỳ đối tượng khách hàng với các khoản vay mới.

Song song với đó, ngành ngân hàng đã nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành liên quan để triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận thuận lợi.

Thời gian qua, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai nghiêm túc, khẩn trương chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định 31, cùng với việc chỉ đạo các ngân hàng thương mại đẩy mạnh công tác truyền thông về chính sách và cách thức tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất thì NHNN cùng với các bộ, ngành đã tổ chức các đoàn công tác liên ngành để đi các địa phương khảo sát nắm tình hình thực tế từ đó giải đáp, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc. Đến cuối tháng 5/2023, doanh số hỗ trợ lãi suất đạt hơn 123 nghìn tỷ.

NHNN cho biết, sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng nhanh tín dụng đi đôi với chất lượng tín dụng và an toàn vốn vay, hướng nguồn vốn tín dụng vào các doanh nghiệp sản xuất, lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.

Bên cạnh đó là các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu, thị trường bất động sản…; triển khai chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,5-2% so với lãi suất cho vay bình quân; triển khai các chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp…

Quyết Thắng và nhóm PV, BTV