Mở cửa phiên giao dịch sáng 3/4, đa số cổ phiếu trụ cột tăng giá, qua đó kéo chỉ số VN-Index tăng khoảng 10 điểm.

Nhóm cổ phiếu bất động sản và ngân hàng diễn biến khá tích cực sau thông tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cắt giảm lãi suất điều hành lần thứ hai liên tiếp, kể từ giữa tháng 3 tới nay. 

Tới 10h45, cổ phiếu Vingroup (VIC) tăng 3.200 đồng, lên 58.300 đồng/cp. Cổ phiếu Vinhomes (VHM), cũng của tỷ phú giàu nhất Việt Nam, tăng 1.800 đồng lên 53.300 đồng/cp.

Cổ phiếu Vincom Retail (VRE) tăng 500 đồng, lên 30.500 đồng/cp.

Tới 10h45, tất cả cổ phiếu ngân hàng trên HOSE đều tăng điểm. Sacombank (STB) tăng 700 đồng, lên 26.900 đồng/cp. Techcombank (TCB) tăng 750 đồng, lên 29.100 đồng/cp.

VN-Index tăng 12 điểm lên hơn 1.076 điểm.

Thị trường chứng khoán sôi động sáng 3/4. (Ảnh: HH)

NHNN cắt giảm lãi suất điều hành là thông tin tích cực đối với thị trường. Điều đó cho thấy, áp lực đối với tỷ giá và lạm phát ở Việt Nam không còn lớn, thanh khoản trên hệ thống ngân hàng tốt.

Lãi suất điều hành giảm sẽ kéo mặt bằng lãi suất xuống và giúp cộng đồng doanh nghiệp bớt khó khăn, đặc biệt các doanh nghiệp thuộc nhóm bất động sản, xây dựng...

Theo quyết định NHNN đưa ra vào cuối tuần, bắt đầu từ 3/4, một loạt lãi suất điều hành sẽ giảm 30-50 điểm phần trăm (0,3-0,5%). Lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 6%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên ở mức 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD giữ nguyên ở mức 6%/năm.

Đồng thời, NHNN cũng giảm lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 6%/ năm xuống 5,5%/năm.

Như vậy, lãi suất huy động kỳ hạn ngắn sẽ giảm xuống. Đây cũng là kỳ hạn mà người gửi tiền nhiều nhất.

Trước đó, hôm 15/3, NHNN đã hạ đa số các lãi suất điều hành giảm 1%.

Cổ phiếu ngân hàng, bất động sản đồng loạt tăng giá. (Nguồn: FPTS)

Theo NHNN, trong bối cảnh lạm phát mặc dù tăng nhưng có xu hướng chậm lại, tăng trưởng kinh tế còn nhiều khó khăn, để giảm lãi suất cho vay và thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Việc tiếp tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành nêu trên là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của Quốc hội và Chính phủ, qua đó tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Trong khi các nước vẫn tiếp tục tăng lãi suất để chống lạm phát, NHNN đã có lần thứ  hai giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Nền kinh tế Việt Nam ghi nhận tăng trưởng mạnh 8,02% trong năm 2022 nhưng chậm lại trong quý I/2023 (chỉ đạt 3,32%).

Hành động của NHNN là chưa có tiền lệ, nhưng được xem là hợp lý và nếu lạm phát duy trì thấp, lãi suất Việt Nam hoàn toàn có thể thấp hơn các nước lớn.

Lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng tụt giảm (Biểu đồ: M.Hà)

Số liệu cho thấy, tỷ giá USD/VND trong hệ thống ngân hàng và thị trường tự do trong nước tiếp xu hướng giảm.  Tỷ giá USD/VND tại Vietcombank giảm từ ngưỡng 24.000 đồng/USD (giá bán) hồi cuối tháng 2/2023 xuống 23.640 đồng/USD vào sáng 3/4.

Hệ thống ngân hàng có thanh khoản tốt khi cả hệ thống từ 17/3 tới nay chỉ cần bơm 215,5 tỷ đồng. Lãi suất qua đêm trên hệ thống tụt giảm xuống mức thấp hơn thời Covid-19, khi chỉ còn 0,9% tính tới 30/3, so với đỉnh cao 8,44% ghi nhận hôm 5/10/2022, hay mức phổ biến trên 6% hồi đầu tháng 3/2023.