Một nghiên cứu về mối liên hệ giữa tần suất hoạt động thể chất và giảm nguy cơ tử vong vừa được đăng tải trên tạp chí Circulation của Hiệp hội Tim mạch Mỹ. Công trình được Viện Y tế Quốc gia Mỹ tài trợ.
Phân tích dựa trên dữ liệu của hơn 100.000 người trong thời gian theo dõi 30 năm. Trong đó có 63% là nữ, độ tuổi trung bình là 66 tuổi.
Các tài liệu đã chứng minh, hoạt động thể chất thường xuyên có liên quan đến giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tử vong sớm. Vào năm 2018, Hướng dẫn Hoạt động Thể chất của Mỹ khuyến nghị, người lớn nên hoạt động thể chất cường độ vừa phải ít nhất 150-300 phút/tuần và hoạt động thể chất cường độ cao 75-150 phút/tuần.
Hoạt động vừa phải bao gồm đi bộ, tập thể dục cường độ thấp, nâng tạ và thể dục dưỡng sinh. Hoạt động cường độ cao bao gồm chạy, bơi lội, đi xe đạp…
Nghiên cứu mới ghi nhận, những người đáp ứng khuyến nghị trên có nguy cơ tử vong vì tim mạch thấp hơn 22-31%, vì các bệnh khác thấp hơn 15-20%, nguy cơ tổng thể thấp hơn 20%.
Với người tập luyện chăm chỉ hơn, nguy cơ tử vong cũng giảm thêm một phần không đáng kể.
Mức giảm là 21-23% đối với những người có thời gian vận động mạnh gấp 2-4 lần so với khuyến nghị. Mức giảm là 26-31% với người có thời gian vận động trung bình gấp 2-4 lần.
Theo các nghiên cứu trước đây, tập thể dục trong cường độ cao trong thời gian dài, chẳng hạn như chạy marathon, đua xe đạp ba môn phối hợp và đua xe đạp đường dài có thể làm tăng nguy cơ mắc các biến cố tim mạch, bao gồm xơ hóa cơ tim, vôi hóa mạch vành, rung nhĩ…
Nhưng phân tích mới không ghi nhận tác động có hại nào đối với tim mạch ở những người trưởng thành tập nhiều gấp 4 lần mức vận động tối thiểu được khuyến nghị.
"Phát hiện này có thể làm giảm những lo ngại xung quanh tác hại tiềm tàng của việc tham gia vào các hoạt động thể chất cường độ cao”, Dong Hoon Lee, Khoa dinh dưỡng tại Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan (Mỹ), đánh giá.
"Nghiên cứu của chúng tôi cung cấp bằng chứng để hướng dẫn mọi người lựa chọn cường độ hoạt động thể chất phù hợp để duy trì sức khỏe tổng thể”.