Sáng 29/3, tại Đền Hùng - Phú Thọ đã diễn ra hoạt động nghi thức rước kiệu của 6 xã quanh vùng trong không khí rất nhộn nhịp và vui tươi.

TIN BÀI KHÁC

Do diễn ra vào ngày mùng 8 âm lịch tức trước ngày giỗ Tổ mùng 10/3 hai ngày nên lượng người tập trung về đền Hùng xem lễ rước kiệu không quá đông để dẫn đến tình trạng chen chúc.
Ngay từ sáng sớm, các đội rước kiệu của 6 xã đã tập trung và chuẩn bị rước kiệu từ xã đến cổng đền Hùng. Ghi nhận của PV cho thấy trong đoàn rước có rất nhiều thế hệ từ các cụ lớn tuổi trong làng cho đến các thanh niên trai gái, ai cũng có nhiệm vụ riêng của mình trong đoàn rước.
Đội hình của mỗi đoàn kiệu đều có chung một đặc điểm đó là có đội múa sư tử hoặc múa vui, múa rước quốc kỳ và cờ hội, đội chiêng trống, đội rước cờ hội, đội bát âm, bát bửu (thường là đội của các cụ già đi thành 2 hàng phân rõ nam nữ) , đội thiếu nữ mang lễ vật hương hoa, kiệu bát công, chủ tế và quan viên.
6 xã tham gia rước kiệu về với Đến Hùng bao gồm xã Hy Vương, xã Hùng Lô, xã Chu Hóa, xã Kim Đức, xã Văn Phú và xã Tiên Kiến (huyện Lâm Thao).
Trong các đoàn rước kiệu đặc biệt có đoàn của xã Hùng Lô khi lần đầu tiên rước kiệu bát cống của làng. Đây là loại kiệu cỡ rất lớn khoảng 8 người khênh, làm bằng gỗ vàng tâm rất nặng và được các cụ trong xã nói rằng đã có từ những năm 1697.
Một cụ trong đoàn rước cho biết, tại đình làng còn có 4 chiếc kiệu khác thuộc kiệu văn lớn gần bằng chiếc kiệu này và cũng có niên đại từ rất lâu do các bậc tiền bối để lại.
Hoạt động rước kiệu của 6 xã quanh đền Hùng là một hoạt động văn hóa lâu đời. Tuy ngày nay cuộc sống có nhiều thay đổi, nhưng mỗi lần đến hội là các thế hệ trong làng đều chung tay góp sức và tưởng nhớ đến truyền thống văn hóa lâu đời của quê hương.
Những hình ảnh PV VietNamNet ghi lại được tại lễ rước kiệu sáng 29/3:
Đội hình rước cờ nam nữ xếp hàng từ sáng sớm tại cổng đền Hùng để chờ đến giờ rước kiệu vào trong.
  Nhưng đoàn rước với màu sắc rực rỡ đặc trưng cho lễ hội miền Bắc
Đi đầu mỗi đoàn rước đều có đội múa sư tử hoặc các nhân vật dân gian để mua vui

Đoàn rước kiệu của các xã bắt đầu bước vào chân núi của Đền Hùng.
  Đoàn rước của 6 xã nhìn từ trên núi.
  Đoàn rước cờ kiệu chỉ dừng lại ở cổng đền Hùng sau đó cử các thiếu nữ mang hương và hoa quả lên cúng còn đoàn rước kiệu bắt đầu rước ngược về làng để làm thủ tục ở địa phương.
Chú hề trong hình ảnh dân gian truyền thống được đóng bởi một người đàn ông lớn tuổi.
Khuôn mặt hứng khởi của một người tham gia rước kiệu trong đội cờ.
Các thanh niên trai tráng khỏe mạnh có nhiệm vụ rước kiệu .
  Biểu diễn hát xoan cũng là hoạt động để du khách thưởng thức loại hình nghệ thuật độc đáo của vùng đất vua Hùng.

















Vĩ Lam