Theo Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, hiện nay, nước ta đang có 3,78 triệu công nhân lao động trực tiếp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Trong số đó, có khoảng 1,8 triệu lao động có nhu cầu về nhà ở. Đối với công nhân ngoài các khu công nghiệp, số lượng có nhu cầu càng lớn hơn.
Khảo sát của tổ chức Công đoàn cũng cho thấy, người lao động đang sống trong các phòng trọ chật chội, ẩm thấp, thiếu ánh sáng, nóng bức với tiền thuê từ khoảng 800 nghìn đồng - 1,5 triệu đồng/tháng.
Có trên 60% số công nhân lao động đang phải thuê trọ tại các khu nhà trọ do người dân tự đầu tư xây dựng thiếu tiện ích, không bảo đảm an ninh, an toàn.
Nhu cầu nhà ở cho công nhân, lao động là rất lớn. Với đồng lương ít ỏi, khả năng tích lũy tài chính eo hẹp thì sở hữu căn nhà giá trị lên tới cả tỷ đồng trở nên là điều “không tưởng” với nhiều người lao động.
Mặt khác, trong năm 2022 và năm 2023, thu nhập của người lao động bị giảm sâu do các doanh nghiệp thiếu đơn hàng, khiến nhu cầu được thuê nhà ở giá rẻ ngày càng trở nên cấp thiết.
Nhiều người lao động, nhất là lao động có thu nhập thấp đang trông chờ vào các dự án nhà ở xã hội giá rẻ để họ có thể mua căn hộ trả góp, phù hợp thu nhập.
Vì lợi ích người lao động
Ngày 27/11 vừa qua, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), trong đó cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội. Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động cho biết, việc Tổng Liên đoàn Lao động tham gia đầu tư, phát triển nhà ở xã hội cho công nhân lao động là hoàn toàn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ.
Đây cũng là vấn đề có ý nghĩa chính trị to lớn, khẳng định vị thế, vai trò của tổ chức Công đoàn,giúp công đoàn làm tròn sứ mệnh của mình.
Tuy nhiên, Theo ông Ngọ Duy Hiểu, xây dựng nhà ở cho người lao động từ nguồn tài chính công đoàn chỉ đóng góp được phần nào nhu cầu nhà ở của hàng triệu người lao động hiện nay, để giải quyết được căn cơ vấn đề này cần có sự vào cuộc của Nhà nước, của các nguồn lực trong xã hội. Bởi vì tài chính công đoàn được sử dụng chủ yếu để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và hỗ trợ người lao động khi gặp khó khăn.
Đại diện Tổng liên đoàn lao động mong rằng, ngoài nhà ở do công đoàn thực hiện, các doanh nghiệp cũng cần dành nguồn lực xứng đáng cho việc xây dựng nhà ở cho người lao động.
Công đoàn có 1 năm chuẩn bị triển khai
Đại diện Tổng liên đoàn lao động thông tin, Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/1/2025, vì vậy công đoàn có 1 năm để chuẩn bị các điều kiện để triển khai.
Theo quy định của pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động tham gia xây dựng nhà ở xã hội với vai trò là cơ quan chủ quản đầu tư (cơ quan phê duyệt, cấp vốn đầu tư) mà không trực tiếp với vai trò là chủ đầu tư dự án. Tổng Liên đoàn Lao động sẽ giao Ban Quản lý dự án thiết chế công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho thuê.
Khi đó Tổng Liên đoàn Lao động thực hiện vai trò là đơn vị chủ quản đầu tư: phê duyệt, cấp phát vốn, phê duyệt dự án đầu tư, phê duyệt giá cho thuê.
Tổng Liên đoàn sẽ xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân lao động hợp lý, cân đối với các hoạt động chăm lo khác cho đoàn viên và người lao động. Tăng cường phối hợp với các địa phương trong công tác giải phóng, bàn giao mặt bằng.