- Vụ sập mỏ đá tại Lèn Cờ (huyện Yên Thành, Nghệ An) khiến 18 người dân bị
thiệt mạng không phải là vụ sập mỏ đá đầu tiên trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Trước
đó, vào năm 2007, đã từng xẩy ra một vụ tai nạn kinh hoàng tại Bản Vẽ (huyện
Tương Dương) cũng làm 18 người chết. Dư luận đặc biệt quan tâm đến 2 vụ việc này
bởi mức độ thiệt hại về con người là quá lớn, hậu quả nó để lại sẽ còn âm ỉ đến
mãi sau này.
Đến bao giờ thì tính mạng phu đá sẽ không rẻ rúng như những đồng tiền lẻ mà họ
nhận được sau mỗi ngày công lao động mệt nhọc?
Đến bao giờ, vùng quê bình yên xứ Nghệ sẽ không còn phải chứng kiến cảnh những
con đường rải đầy vàng mã; những đứa trẻ quấn khăn tang bước chân xiêu vẹo đi
sau cỗ quan tài gọi mẹ đến khản giọng?
Câu trả lời có lẽ hơi cay đắng: Sẽ chẳng bao giờ, nếu như lãnh đạo tỉnh Nghệ An
và các cơ quan ban ngành không khắc phục những lỗ hổng, yếu kém trong công tác
quản lý, cấp phép và khai thác khoáng sản!
Thêm những vành tang trắng
Sau những vụ tai nạn thương tâm, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đôn đốc chỉ đạo các Sở,
ban nghành tiến hành kiểm tra các mỏ đá xây dựng để kịp thời báo cáo “hỏa tốc”
lên Thủ tướng. Giả định, nếu như không có vụ tai nạn chết người tại Lèn Cờ, thì
những cái tên như: mỏ đá Lèn Cờ, doanh nghiệp Chín Mến… mãi mãi là một bí ẩn,
mới mẻ và lạ lẫm đối với một số cơ quan quản lý, giống như lời trả lời phỏng vấn
báo chí của ông Hoàng Danh Lai - Phó Giám đốc Sở TN - MT Nghệ An: “Thực tế từ
khi mỏ đá đi vào hoạt động đến nay, Sở chưa từng kiểm tra”.
Biện minh cho lý do này, vị Phó Giám đốc cho rằng: Nghệ An còn nhiều điểm khai
thác khác nóng hơn, cần phải quan tâm, kiểm tra nhiều hơn.
|
Giả định, nếu như không có vụ tai nạn chết người tại Lèn Cờ, thì
những cái tên như: mỏ đá Lèn Cờ, doanh nghiệp Chín Mến… mãi mãi là một bí ẩn,
mới mẻ và lạ lẫm đối với một số cơ quan quản lý? |
Trong khi dư luận đang chờ đợi kết luận từ các cơ quan chức năng về nguyên nhân
của vụ sập mỏ đá; trách nhiệm của các cơ quản lý như thế nào thì thêm một thông
tin nữa khiến nhiều người phải giật mình gọi nhiều địa phương ở Nghệ An với cái
tên hãi hùng: “những miền đất chết”, khi mới đây nhất, ngày 1/5, tại Tương Dương
lại xảy ra một vụ sập hầm khai thác vàng khiến 5 người dân tử nạn.
Lại thêm những vành tang trắng trên khuôn mặt trẻ thơ, thêm những con đường rải
đầy vàng mã. Thêm nhiều nỗi đau ập đến với các gia đình nghèo đói...
5 người dân tử nạn ở Tương Dương đã đưa con số người bị thiệt mạng khi khai thác
khoáng sản lên 23 người. Như vậy, vừa tròn 1 tháng sau vụ tai nạn ở Lèn Cờ, Nghệ
An lại có thêm 5 người bị tử nạn do khai thác vàng. Sẽ có những cuộc thanh kiểm
tra sau vụ tai nạn này? Điều đó là đương nhiên.
Chưa ai dám khẳng định cái bản kết luận kiểm tra như thế nào, song có một số
điểm thì ai cũng đoán được. Chẳng hạn như vụ tai nạn ở Lèn Cờ, sẽ có một dòng
trong kết luận, đại loại: do doanh nghiệp khai thác không đúng quy trình. Mà cái
việc khai thác không đúng quy trình này, nói như lời ông Phan Văn Tuyên - Phó
Chủ tịch huyện Yên Thành thì: “Chỉ nhìn bằng mắt thường cũng phát hiện ra doanh
nghiệp khai thác không đúng quy trình rồi”.
Còn vụ tai nạn ở Tương Dương mới đây, thì sẽ là do các hộ dân tự ý khai thác,
chính quyền địa phương đã nỗ lực ngăn chặn, truy quét tình trạng vàng tặc này
nhiều lần rồi…
Tất nhiên, những nguyên nhân đó đều là võ đoán, đều là suy nghĩ chủ quan của cá
nhân người viết bài này. Tất cả tội lỗi, đã có doanh nghiệp Chín Mến đứng ra
gánh vác? Còn hậu quả, hàng chục đứa trẻ mồ côi ở vùng lúa Yên Thành đã chịu
đựng.
Còn các cơ quan quản lý trên địa bàn Nghệ An, họ sẽ “rút kinh nghiệm”, sẽ xem
đây là bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý cấp phép và quản lý khai thác
khoáng sản. Để có được bài học kinh nghiệm đó, phải đối bằng hàng chục mạng
người. Quá đắt!
Nhức nhối tình trạng khai thác khoáng sản
Trở lại vấn đề khai thác khoáng sản tại xứ Nghệ. Nhiều doanh nghiệp xem Nghệ An
là miền đất màu mỡ để phát triến cho việc khai thác khoáng sản. Và vì thế, hàng
chục doanh nghiệp đã bằng mọi cách để có được một tờ giấy phép khai thác.
Theo tiết lộ của một số doanh nghiệp, để có được một giấy phép khai thác khoáng
sản, họ buộc phải 'lót tay' kha khá. Đường đi để có một giấy phép cũng 'loằng
ngoằng, lắm ngõ ngách'. Nếu anh chạy đúng cửa, sẽ sớm 'tìm ra' được tờ giấy
phép. Nếu chạy sai cửa, sẽ lạc vào trận đồ bát quái của những tập hồ sơ, giấy
tờ, thủ tục. Vấn đề này, chúng tôi sẽ đề cập trong các kỳ tới của loạt bài này.
Chính vì chi phí để được cấp mỏ khá lớn. Ít thì 1 “ngón tay”, nặng thì cả “bàn
tay”, có khi cả 2 “bàn tay” (một ngón tay là 1 tỉ đồng) - câu này chúng tôi
trích nguyên văn khi hỏi một chủ mỏ đá xây dựng ở Yên Thành về chi phí để có
được một giấy phép khai thác, nên nhiều doanh nghiệp mang nặng tâm lý: phải làm
sao để tiết kiệm nhất trong quá trình khai thác, mong gỡ lại số vốn bỏ ra ban
đầu.
|
Đến bao giờ thì tính mạng phu đá sẽ không rẻ rúng như những đồng tiền lẻ mà họ
nhận được sau mỗi ngày công lao động mệt nhọc? |
Chẳng hạn như ở Lèn Cờ, thay vì bóc trần từ trên đỉnh đồi xuống, doanh nghiệp
lại chọn khai thác theo kiểu hàm ếch, vừa đỡ chi phí, vừa bớt nhân công. Và, tai
nạn xảy ra là lẽ đương nhiên.
Trở lại việc cấp phép, quản lý khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Năm 2009, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành kiểm tra và phát hiện ra những sai
phạm nghiêm trọng trong công tác quản lý, cấp phép và khai thác khoáng sản.
Chỉ sau khi có kết luận từ Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành 2
quyết định (QĐ) về việc xử lý những sai phạm trong hoạt động quản lý, cấp phép
và khai thác khoáng sản.
Theo đó, 54 khu vực mỏ trên địa bàn huyện Quỳ Hợp bị đình chỉ. 64 DN với 66 giấy
phép khai thác khoáng sản khác cũng được tạm đình chỉ vì những sai phạm trong
hoạt động khoáng sản.
Điều đáng nói, những QĐ này được chính quyền sở tại vội vã ban hành ngay sau khi
có Kết luận số 128/KL-TTCP ngày 20/01/2010 của Thanh tra Chính phủ về việc xử lý
sau thanh tra việc quản lý và khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An
và Công văn số 895/VPCP-KNTN ngày 08/02/2010 của Văn phòng Chính phủ về ý kiến
chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ sau khi có báo cáo thanh tra việc quản lý khoáng
sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Kết luận Thanh tra của Thanh tra Chính phủ (thời gian tiến hành thanh tra từ
ngày 22/4 đến ngày 26/7/2009) cho thấy: trong thời gian từ tháng 01/2006 đến
tháng 3/2009, UBND tỉnh Nghệ An đã cấp 57 giấy phép khai thác đá xây dựng cho
các DN tiến hành khai thác VLXD.
Tuy nhiên, việc cấp phép này đã vi phạm QĐ số 152/QĐ-UBND.CN về Quy hoạch phát
triển vật liệu xây dựng cũng do chính UBND tỉnh Nghệ An ban hành ngày
13/01/2006.
Sau những nội dung tại kết luận thanh tra và sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ
tướng Chính phủ tại công văn số 895/VPCP-KNTN, UBND tỉnh Nghệ An phải ban hành
cùng một lúc 2 QĐ xử lý các đơn vi sai phạm nói trên trong thời gian liên tiếp
(19/3/2010 và 24/3/2010).
Theo đó, tại QĐ số 1184/QĐ-UBND.TN về việc đình chỉ khai thác khoáng sản do Phó
Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Đình Chi ký quyết định đình chỉ việc khai thác
khoảng sản tại 54 khu vực mỏ thuộc địa bàn huyện Quỳ Hợp.
Cụ thể: 45 khu vực mỏ của 45 tổ chức có giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu
lực; 6 khu vực mỏ của 6 tổ chức có giấy phép khai thác khoảng sản đã hết thời
hạn.
Theo nội dung QĐ 1184, những DN có tên kèm theo phải dừng mọi hoạt động khai
thác khoáng sản và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trong thời gian đỉnh chỉ; giữ
gìn an ninh trật tự xã hội, môi trường; bảo vệ các tài sản liên quan và vật liệu
nổ còn dư.
Điều mà dư luận quan tâm là mặc dù để ra những sai phạm nghiêm trọng như thế
trong công tác quản lý, cấp phép và khai thác khoáng sản, nhưng UBND tỉnh Nghệ
An chưa đưa ra một hình thức xử lý nào thật sự nghiêm khắc được đưa ra dành cho
các cán bộ sai phạm.
Sau các quyết định của UBND tỉnh Nghệ An, các doanh nghiệp tạm thời nằm im để
nghe ngóng tình hình và chờ thời cơ.
Hoàng Sang – Quốc Huy
Bài 2: Tôi đi 'chạy' giấy phép khai thác mỏ
Theo tiết lộ của một số chủ mỏ đá xây dựng tại Nghệ An, để có được một mỏ khai
thác đá, doanh nghiệp đã bỏ ra rất nhiều tiền để chạy. Tiền là vấn đề đầu tiên,
nhưng chưa phải là tất cả nếu như DN không có quan hệ...