Xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An là một trong những xã vùng sâu, cách thị trấn Hòa Bình hơn 130km, một số bản lẻ cách trung tâm xã hàng chục km, xã có 12 bản, trong đó có 3 bản dân tộc H'Mông, còn lại là dân tộc Thái và Khơ Mú, với tổng số hộ 743 hộ, trong đó có 473 hộ nghèo, riêng bản Huồi Cọ- một trong những vùng cao biên giới heo hút nhất ở cực tây huyện Tương Dương có 42 hộ, 28 hộ nghèo, là bản đạt danh hiệu văn hóa thứ hai trong tổng số 12 bản vào 2003, được chọn là bản xây dựng nông thôn mới vùng biên giai đoạn 2018-2020. 

Bản Huồi Cọ được hình thành cuối những năm 60 của thế kỷ trước, từ một vài hộ ở bản Huồi Mới, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong di cư về sinh sống. Trước đây, bà con chỉ phát rừng trồng ngô, tra lúa trên nương, nên cuộc sống bấp bênh. Cả bản có hơn 44 hộ gần 303 nhân khẩu, sống lay lắt trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; nhiều hộ đã có ý định sang Lào để sinh sống.

Quyết không để bà con bị neo mãi trong đói nghèo, năm 2017, huyện Tương Dương ban hành Đề án “Xây dựng bản Huồi Cọ thành bản nông thôn mới và trở thành bản điểm về phát triển kinh tế, xã hội vùng biên”.

Trong giai đoạn đầu triển khai mô hình trồng chanh leo ở các bản làng thuộc xã Nhôn Mai, trong đó có Huồi Cọ chỉ có 26 hộ tham gia mô hình trồng chanh leo, với diện tích 16ha. Hộ nhiều trồng đến 1.000 gốc, ít cũng trồng 500 gốc.

Thời điểm đó, cán bộ xã, cán bộ huyện phải cắt cử thay nhau bám hộ, bám bản để hướng dẫn bà con chăm sóc chanh để không bị chết, hướng dẫn bà con đào ao giữ nước đề phòng khi thời tiết khô hạn. 

“Để thay đổi tập tục canh tác của đồng bào người H'Mông ban đầu gặp không ít khó khăn. Chúng tôi mở đường, cải tạo cơ sở hạ tầng và làm thí điểm trồng cây chanh leo ở Huồi Cọ. Đồng thời thường xuyên luân phiên cán bộ huyện xuống địa bàn vận động người H'Mông cùng làm”, lãnh đạo huyện nhớ lại.

Giờ đây, đến vụ, tư thương đưa ô-tô vào tận nơi thu mua, cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm. Sau 1 năm cây canh leo đã giúp 80% hộ ở bản thoát nghèo.

Huồi Cọ có 44 hộ dân với hơn 300 nhân khẩu được chọn là điểm sáng vùng biên của huyện Tương Dương, và cũng là bản biên giới đầu tiên của Nghệ An đạt chuẩn bản nông thôn mới. 

Ảnh minh họa

Nằm tít tắp ở vùng sâu, vùng xa của xã Mai Sơn, bản Huồi Tố 1 có 78 hộ dân, với 319 nhân khẩu được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2017-2020. 

Sau 3 năm phấn đấu xây dựng NTM, từ chỗ ban đầu mới đạt 7/15 tiêu chí, nhưng với sự nỗ lực của các tầng lớp nhân dân, phát huy nội lực bà con dân bản, cuối năm 2020, bản Huồi Tố 1, xã Mai Sơn huyện Tương Dương long trọng tổ chức lễ đón nhận bản đạt chuẩn nông thôn mới.

Giờ đây bản, làng khang trang, đi lại thuận tiện nhờ những con đường bê tông nhẵn mịn, hai bên là những dãy hàng rào ngăn nắp, những luống hoa với đủ sắc màu đã thay thế cho những ngôi nhà tranh, tre, nứa lá tạm bợ trước đây.

100% số hộ dân của Bản Huồi Tố 1 đã có nhà ở đạt tiêu chuẩn. Có được kết quả trên, ngoài nỗ lực lớn từ phía người dân, xã, bản đã chung tay với bà con trong vận dụng các nguồn hỗ trợ, huy động vật liệu, nhân lực... Tính đến đầu năm 2021 thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đạt 35 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo của bản là 3/78 hộ, chiếm 3,84%.

Những câu chuyện ở vùng cao Tương Dương là bức tranh sinh động cho thấy những nỗ lực, những quyết tâm và ý chí của các cấp ngành chính quyền tới người dân đã nỗ lực đón bắt thời cơ, vận hội từ những chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước để cải thiện cuộc sống, để xây dựng quê hương, làng bản.

Thanh Bình, Thu Hà, Bạt Tuấn