1. Bức ảnh về Rehana, người được mệnh danh là "Thiên thần xứ Kobane", người đã giết hơn 100 phiến quân IS
Bức ảnh nổi tiếng này lần đầu được công bố vào tháng 8 năm 2014 trên một blog có tên "Bijikurdistan", một người ủng hộ nỗ lực của người Kurd ở vùng Kobane, Aleppo, bắc Syria trong công cuộc chống lại phiến quân IS. Ban đầu, chẳng ai chú ý tới bức ảnh này, nhưng một tháng sau, nó được đăng trên Twitter của Slemani Times, một trang tin tức dành cho cộng đồng người Kurd. Hình ảnh nhanh chóng lan truyền trên Twitter dưới những tin đồn về việc cô đã bị giết hại bởi các phi đoàn máy bay IS.
Cô gái được đặt tên là "Rehana"; và trên một đoạn tweet khác, người đăng đã khẳng định Rhana đã giết hơn 100 tên khủng bố, đồng thời cũng cực kỳ nổi tiếng vì "lòng dũng cảm của mình". Một blogger và nhà hoạt động xã hội người Ấn Độ Pawan Durani đã tweet hình ảnh Rehana cùng với một số nữ chiến binh người Kurd khác, và ngay sau đó, các phương tiện truyền thông đã đặt tên cho cô ấy là "Thiên thần xứ Kobane".
Sự thật: Tên thật của cô gái trên ảnh vẫn không rõ. Cô gái chỉ là một sinh viên luật tại Aleppo vào thời điểm đó và làm việc tình nguyện cho một đơn vị bảo vệ nhà riêng. Lẽ dĩ nhiên, cô chẳng liên quan gì đến IS cả.
2. Tuyết rơi lần đầu ở Ai Cập sau 112 năm, phủ trắng tượng nhân sư
Được đăng tải trên Reddit, hình ảnh tượng Nhân sư ở Ai Cập và một kim tự tháp phủ tuyết trắng đã được lan truyền rộng rãi sang Twitter và Facebook vào năm 2013. Tuy nhiên, một số người đã nhanh chóng nhận thấy rằng khu vực xung quanh tượng Nhân sư trông có vẻ khác, một số tinh mắt hơn thì nhanh chóng phát hiện ra đỉnh tháp Eiffel đang nhô lên từ phía sau kim tự tháp.
Sự thật: Đây chỉ là một bản sao thu nhỏ của tượng Nhân Sư được đặt tại công viên thế giới Tobu, nằm ở Nhật Bản.
3. Bức ảnh hậu trường nổi tiếng của hãng MGM
Biểu trưng huyền thoại cho hãng Goldwyn Pictures ban đầu được thiết kế bởi Howard Dietz, người cũng được cho là đã tạo ra linh vật "Leo the Lion" - con sư tử huyền thoại mà bạn thường thấy khi xem Tom & Jerry. Kể từ năm 1916, cho đến khi sáp nhập với Metro Pictures của giám đốc Marcus Leow vào với công ty MGM của Louis B. Mayer, bảy chú sư tử khác nhau đã từng được sử dụng để đóng vai sư tử Leo.
Tuy nhiên không con nào trong số những con sư tử này bị kẹp đằng sau khung logo như bức ảnh được lan truyền trên đây vào năm 2015. Trên thực tế, đây là một chú sư tử bị... ốm ở Israel và được đưa vào viện để chụp CAT phát hiện bệnh. Người ta đã photoshop rất có tâm chiếc máy thành màn hình đảo chiều của MGM nhằm gia tăng tính xác thực nhưng lại quên không xóa đi chai nước truyền cho chú sư tử này.
4. Nhện lạc đà khổng lồ to bằng cái đĩa ăn cơm, có thể chạy 40km/h, nhảy cao 2m và đang đẻ trứng trong bụng một con lạc đà
Trong số các bức ảnh fake được bóc phốt ở bài viết này thì đây chắc hẳn là tấm hình dễ gây ám ảnh cho nhiều người đọc bậc nhất, đặc biệt là với những độc giả mặt tàn nhang tóc đỏ họ Weasley.
Một số tin đồn về khả năng nhện lạc đà đã xuất hiện trong Chiến tranh vùng Vịnh vào năm 1990-1991, sau đó trở nên phổ biến hơn khi quân đội Hoa Kỳ quay trở lại Iraq vài năm trước. Bức ảnh trên là một ví dụ, trong đó con nhện dường như đã đạt kích thước của con bê con. Truyền thuyết kể lại từ một số người lính cho rằng các sinh vật này có thể bơm vào cơ thể một người lính lượng thuốc mê đủ khiến anh mê man bất tỉnh và sau đó nhai thịt của họ. Một số câu chuyện khác cũng cho rằng nhện lạc đà có thể chạy 25 dặm một giờ và đẻ trứng trong bụng của một con lạc đà.
Thực tế: Nhện lạc đà chỉ có thể phát triển kích thước tối đa là 4,7 inch (12 cm), bao gồm cả chân, và tốc độ tối đa của loài ăn thịt này chỉ vào khoảng 10 dặm một giờ (16 km một giờ), chỉ bằng phân nửa con người. Và không có chuyện nhện lạc đà đẻ trứng vào bụng lạc đà đâu, chúng thường chỉ đẻ trứng vào một cái hố đất thôi.
5. Cậu bé Syria nằm ngủ bên nấm mồ của cha mẹ
Bức ảnh cảm động đến rơi nước mắt này được chụp bởi một người Mỹ gốc Hồi giáo sống ở Ả-rập Xê-út, sau đó đăng trên tài khoản twitter @americanbadu của ông. Ảnh đi kèm với một chú thích tuyên bố rằng hình ảnh được chụp từ Syria và cha mẹ của cậu bé đã bị giết bởi những người lính của Chế độ Assad. Với hơn 187 nghìn người theo dõi, hình ảnh đã được nhanh chóng tweet lại hàng trăm lần; một số trong số đó là từ các tổ chức phi chính phủ Hồi giáo có hàng ngàn người theo dõi. Chẳng bao lâu nó đã lan truyền mạnh mẽ và đã được đăng trên Twitter và Facebook ở các nước phương Tây.
Trên thực tế, bức ảnh được chụp ở Ai Cập, đứa bé cũng không phải người Syria, và hai nấm mồ cũng là giả. Cạn lời. Tác giả của bức ảnh này thực tế đã câu like một cách khá... thô thiển, và bức ảnh hậu trường dưới đây đã tố cáo tất cả.
Từ 5 ví dụ ở trên, từ giờ trở đi, nếu có trót thấy những hình ảnh giật gân trên mạng, trước khi quyết định chia sẻ thì bạn hãy tìm hiểu cho rõ ngọn ngành đã nhé! Hãy là một công dân mạng thật thông minh, tỉnh táo giữa thời buổi thật giả lẫn lộn này!
Theo GenK