Luật phòng chống rửa tiền 2012 đi vào cuộc sống đã tạo ra những bước tiến đáng kể về hành lang pháp lý trong công tác phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố. Tuy nhiên, quá trình đánh giá và triển khai thực hiện, Luật phòng chống rửa tiền 2012 và các văn bản hướng dẫn thực hiện vẫn còn bất cập trong quá trình thực thi; nhiều hạn chế và thiếu hụt so với yêu cầu của chuẩn mực quốc tế cần sớm được sửa đổi, bổ sung.
Thực hiện Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 của Quốc hội khóa XV về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và Quyết định số 799/QĐ-TTg ngày 06/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chủ trì soạn thảo Luật PCRT (sửa đổi), NHNN đã phối hợp với các bộ, ngành xây dựng dự thảo Luật phòng chống rửa tiền 2022. Ngày 15/11/2022, Luật phòng chống rửa tiền 2022 đã được Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV bao gồm những điểm mới sau:
Thứ nhất, về đối tượng áp dụng, theo quy định tại Luật PCRT 2012, đối tượng báo cáo của Luật phòng chống rửa tiền bao gồm 02 nhóm: (i) Các tổ chức tài chính (FIs); và (ii) Các tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính liên quan (DNFBPs). Luật PCRT 2022 đã bổ sung trung gian thanh toán vào nhóm các đối tượng báo cáo và sửa đổi, bổ sung tên gọi của một số hoạt động liên quan đến các lĩnh vực: Chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản, trò chơi có thưởng, dịch vụ thỏa thuận pháp lý… trên cơ sở quy định của pháp luật có liên quan và chuẩn mực quốc tế; bổ sung quy định về các hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền, Chính phủ quy định sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thứ hai, về trách nhiệm của đối tượng báo cáo trong công tác phòng chống rửa tiền, bên cạnh việc kế thừa các nhiệm vụ cơ bản như Luật phòng chống rửa tiền 2012 và các văn bản hướng dẫn về nhận biết khách hàng, thông tin nhận biết khách hàng, cập nhật thông tin nhận biết khách hàng, xác minh thông tin nhận biết khách hàng, Luật PCRT 2022 đã điều chỉnh từ ngữ, bổ sung thông tin theo quy định theo pháp luật có liên quan và chuẩn mực quốc tế.
Luật cũng đã làm rõ, bổ sung thông tin cần thu thập (bản chất của mối quan hệ kinh doanh của khách hàng), khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về cư dân phục vụ việc xác minh và quy định rõ việc thuê tổ chức khác, dựa vào bên thứ ba để xác minh thông tin, trách nhiệm của các bên liên quan, quy định bổ sung về chính trị gia của các tổ chức quốc tế, trách nhiệm của đối tượng báo cáo trong trì hoãn giao dịch, rà soát, chỉnh sửa, bổ sung quy định về các giao dịch liên quan tới công nghệ mới như yêu cầu đối tượng báo cáo phải thực hiện đánh giá rủi ro về rửa tiền trước khi cung cấp các sản phẩm hoặc dịch vụ ứng dụng công nghệ mới.
Thứ ba, Luật phòng chống rửa tiền 2022 đã đưa ra quy định về việc đánh giá rủi ro rửa tiền quốc gia và tại từng đối tượng báo cáo, trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền; đồng thời, quy định toàn diện về việc thực hiện các biện pháp phòng chống rửa tiền trên cơ sở rủi ro của các đối tượng báo cáo để đảm bảo tính đầy đủ, hợp lý hơn bởi đây là một trong những yêu cầu thuộc nhóm các vấn đề then chốt và cơ bản trong công tác PCRT được nêu ra tại Khuyến nghị số 1 trong Bộ 40 Khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF).
Trong bối cảnh tội phạm rửa tiền, tài trợ khủng bố ngày càng tinh vi hiện nay, sự ra đời của Luật phòng chống rửa tiền 2022 là thành quả quan trọng trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, góp phần thúc đẩy công tác phòng chống rửa tiền nói riêng và phòng, chống tham nhũng nói chung, tạo thuận lợi cho công tác điều tra, truy tố và xét xử tội phạm về tham nhũng, rửa tiền.