- Tính từ năm 1945 cho đến hiện tại, Việt Nam đã và đang diễn ra bốn cuộc cải cách lớn (1950, 1956, 1979, 2013). 

Trong mỗi cuộc cải cách đều có những nội dung thay đổi lớn như hệ thống trường học quốc dân, nội dung chương trình - sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy, phương thức kiểm tra đánh giá…. 

Tuy nhiên, khi quan sát chi tiết những động thái liên quan đến các cuộc cải cách giáo dục này sẽ thấy dường như đời sống trường học đã bị lãng quên trong các cuộc cải cách.

{keywords}
Tạo ra một đời sống trường học lành mạnh là điều quan trọng trong mỗi lần cải cách giáo dục. Ảnh: Lê Anh Dũng

Thông thường, trong các cuộc cải cách giáo dục lớn trên thế giới đời sống trường học bao gồm tất cả các sinh hoạt diễn ra ở trường học và bầu không khí bao quanh nó luôn nằm trong nội dung cải cách và sự cải thiện của nó là một dấu hiệu quan trọng trong việc xem xét mức độ thành công của cải cách.

Tuy nhiên, đời sống trường học ở Việt Nam hiện tại, cho dù đã trải qua nhiều lần cải cách vẫn đang ở trong nếp cũ và không có sự đổi thay đáng kể. 

Những sinh hoạt trong trường học và bầu không khí ở đó vẫn mang nặng tư duy, thói quen và cách thức sinh hoạt hàng thập kỉ trước trong bối cảnh đất nước có chiến tranh và chưa hòa nhập sâu vào cộng đồng thế giới.

Có thể kể đây rất nhiều sinh hoạt trường học như thế: sinh hoạt lớp cuối tuần, đánh giá hạnh kiểm học sinh, hoạt động của đội “Cờ đỏ” (sao đỏ)…

Những sinh hoạt này mang nặng tư duy xiết học sinh vào kỉ luật và khi được thực hiện lặp đi lặp lại trên quy mô toàn quốc ở tất cả các trường trong một thời gian dài, chúng đã trở thành những sinh hoạt…bình thường của trường học.

Tuy nhiên, trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, khi nhìn nhận chúng dưới triết lý giáo dục hiện đại nhắm tới sự hình thành nên người công dân sẽ thấy rất nhiều sinh hoạt kiểu đó là bất thường, có hại cho sự phát triển của học sinh và vận hành trường học.

Xin lấy một ví dụ tiêu biểu là chuyện đánh giá hạnh kiểm (đạo đức) của học sinh.

Nhà trường là một tổ chức, một không gian có đặc thù riêng vì vậy mà nó luôn cần tới các “luật lệ” buộc các thành viên sinh hoạt trong không gian đó phải tuân thủ đảm bảo cho hoạt động của nó không bị rối loạn. 

Tuy nhiên, sự vi phạm các "luật lệ" của trường học như đi muộn, nói chuyện riêng, quên không trực nhật, quên không làm bài... không thể nào là căn cứ để đánh giá đạo đức con người. Thành tích học tập tính bằng điểm số càng không phải là căn cứ để xác định ai đó có đạo đức tốt hay xấu.

Hơn nữa, sự phán xét về đạo đức của học sinh một cách đơn phương từ phía giáo viên, một thực thể nắm cả “quyền lực” và “quyền uy”trong tay, sẽ tạo ra một cơ chế phục tùng vô điều kiện có hại cho sự hình thành tư duy và nhân cách ở học trò.

Đạo đức của một con người không thể đánh giá xấu/tốt với các cấp độ khá, tốt, kém, trung bình, yếu...một cách đơn giản như giáo viên trường học đang làm. Nó vừa phản cảm vừa dễ tạo ra sự tổn thương ở học trò, những người đang trong quá trình xã hội hóa để trở thành người trưởng thành.

Rất dễ nhận thấy trong thực tế nhiều học sinh thời đi học hay phải nhận hạnh kiểm yếu, kém đã trở thành những người có tâm hồn phong phú và nhân cách đáng trọng trong khi có rất nhiều học sinh 12 năm liền hạnh kiểm tốt đã trở thành những kẻ vụ lợi cá nhân, ích kỉ và sẵn sàng dẫm đạp lên sức khỏe, sinh mạng, không gian sinh tồn của người khác.

Ở Nhật và có lẽ ở tất cả các nước có nền giáo dục có thành tựu khác cũng đều không có đánh giá đạo đức học sinh trong nhà trường.

Để nâng cao chất lượng giáo dục, giảm thiểu các vấn đề ở trường học, việc cải thiện sinh hoạt trường học là tất yếu. Vì thế, ngoài chuyện nên tính toán bỏ việc đánh giá hạnh kiểm học sinh, theo tôi trường học còn cần phải bỏ đi những sinh hoạt sau đây:

1. Sử dụng học sinh làm "Sao đỏ" để bắt lỗi các học sinh khác và chấm điểm thi đua lẫn nhau.

2. Xếp hạng thi đua thứ tự học sinh trong lớp và theo khối.

3. Nhận xét công khai về học sinh trước các phụ huynh khác hoặc học sinh khác trong các buổi sinh hoạt tập thể như chào cờ hay sinh hoạt lớp, họp phụ huynh.

4. Sử dụng “giám thị” để kiểm tra, giám sát việc học sinh thực hiện nội quy (chức danh "giám thị" trong trường học có thể gợi lên những liên tưởng phản cảm, không thích hợp với môi trường giáo dục)

Đồng thời với việc bỏ đi những sinh hoạt trường học theo nếp cũ nói trên, các trường học cần phải tích cực làm những việc sau:

1. Tạo điều kiện cho học sinh tự tổ chức nên các câu lạc bộ, các đoàn thể "tự trị" như các câu lạc bộ thể thao, văn nghệ, văn hóa, hoạt động xã hội.

2. Tạo điều kiện cho học sinh sản xuất, điều hành phát thanh trường học và phát hành tập san định kì của lớp, trường.

3. Tạo điều kiện và hỗ trợ để học sinh tiến hành các hoạt động liên kết với phụ huynh, người dân và xã hội địa phương như: biểu diễn văn nghệ, triển lãm trưng bày các sản phẩm học tập, ngày hội thể thao định kì hàng năm hoặc theo học kì.

4. Tạo ra các cơ hội để phụ huynh học sinh tham gia vào sinh hoạt nhà trường cùng học sinh như tham quan, quan sát giờ học, thi đấu thể thao, giao lưu văn nghệ, tham gia hoạt động tình nguyện ở xã hội địa phương và trong trường với con, xây dựng vườn trường, phòng thí nghiệm....

Trong lý luận giáo dục học hiện đại, trường học không chỉ là nơi chuẩn bị cho đời sống mà phải là chính đời sống để học sinh trải nghiệm và thực hành làm “người công dân nhỏ tuổi” khi tham gia tích cực trong vai trò “người làm chủ” vào các sinh hoạt xã hội. 

Vì vậy, đời sống trường học càng phong phú và gần với thực tế sẽ càng giúp cho sự trưởng thành của học sinh thuận lợi.

Nếu làm được như trên, tôi tin đời sống trường học sẽ thay đổi và quá trình "xã hội hóa" để trở thành người công dân của học sinh sẽ trở diễn ra suôn sẻ. 

Những việc cải cách này vừa không cần đến “hàng ngàn tỉ đồng”, vừa có thể làm ngay ở bất cứ ngôi trường nào bất chấp điều kiện vật chất ở đó ra sao.

Cuộc cải cách giáo dục nào rồi cuối cùng cũng phải được thử thách trong thực tế. Nếu như cải cách không thể tạo ra sự tươi mới và không khí dân chủ, tự do trong trường học, những chủ trương, chính sách cải cách cho dù công phu đến mấy cũng sẽ khó có được thành công.

  • Nguyễn Quốc Vương (Nhật Bản)